Vì sao tiến độ cao tốc Bến Lức-Long Thành chậm rì?

Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài hơn 27km. Từ giữa năm 2017, chủ đầu tư bắt đầu thi công các gói thầu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), việc giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Nhơn Trạch, Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn nên tiến độ rất chậm, nhà thầu thi công cầm chừng.

Do hàng trăm trường hợp chưa giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai nên cao tốc Bến Lức-Long Thành thi công cầm chứng. Ảnh: TTXVN  

Cụ thể, tại huyện Nhơn Trạch còn 56 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 20ha. Tại huyện Long Thành còn hơn 150 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng với diện tích gần 8ha. “Nguyên nhân là người dân đang khiếu nại vị trí đất, giá đất…", ông Hùng cho hay.

Ngoài ra, tại vị trí xây dựng cầu Thị Vải, nhà thầu thi công vận chuyển vật tư, thiết bị vào công trường thì bị các hộ dân giăng lưới, đóng đáy đánh bắt thủy hải sản trên sông cản trở.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ban ngành liên quan tập trung chi trả và bàn giao toàn bộ mặt bằng vào cuối tháng 9 này. Đồng thời, Ban quản lý đề nghị tỉnh rà soát và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đã cấp cho các hộ trên sông Thị Vải (trong khu vực giao cắt với dự án); hỗ trợ nhà thầu thi công các vị trí bị người dân cản trở.

Cao tốc Bến Lức-Long Thành khởi công tháng 7-2014, do VEC làm chủ đầu tư. Dự án được thiết kế với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020. Khi đưa vào sử dụng, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ; kết nối trực tiếp với nhiều hệ thống cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới