Vì sao tín dụng vào nền kinh tế chỉ có 2,57%?

(PLO)- Chừng nào việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm chạp thì khi đó tín dụng nền kinh tế sẽ khó có thể tăng trưởng như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 20-4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng tín dụng này thấp hơn nhiều cùng kỳ năm 2022 (6,46%).

Vì sao tín dụng tăng chậm?

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay còn yếu, ông Đào Minh Tú cho biết: Một mặt, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do ba động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm), ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.

Một khía cạnh khác, trong bối cảnh thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán), chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thì áp lực vốn đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục ở mức cao, nhất là vốn cho lĩnh vực bất động sản, đầu tư hạ tầng.

Còn có nguyên nhân nữa là do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước kéo theo tăng tín dụng chung ở mức thấp...

Điều này đặt ra cho NHNN và ngành ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan Nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các tổ chức tín dụng, nguy cơ chuyển nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tương tự như đã triển khai trong giai đoạn dịch Covid-19.

Doanh nghiệp đang chật vật xoay dòng tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn
Doanh nghiệp đang chật vật xoay dòng tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn

NHNN sử dụng nhiều công cụ để hỗ trợ nền kinh tế

Tại thời điểm hiện nay, theo đánh giá của các bộ ngành chức năng, các chuyên gia, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, khối lượng sản xuất, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngay những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ. Thứ nhất là đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng tổ chức tín dụng và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng.

Thứ hai, từ đầu năm đến nay, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành. Đây vừa là công cụ điều hành, là thông điệp, tín hiệu cho thị trường, vừa là chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.

Thứ ba, NHNN đã tạo nhiều điều kiện tích cực (như đối với thị trường bất động sản, NHNN chưa bao giờ siết tín dụng bất động sản, mà chỉ là kiểm soát chặt chẽ rủi ro vào một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ...; gói 120.000 tỉ đã được kích hoạt từ 1-4-2023 tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường).

"NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro".

Thứ tư, ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, NHNN đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023.

“NHNN đã sử dụng tất cả các công cụ có thể để tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành như hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các chương trình do địa phương tổ chức… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Trong điều hành của NHNN, trong triển khai của các tổ chức tín dụng đã quyết liệt, kịp thời. Nhưng không giải ngân vốn đầu tư công một cách mạnh mẽ thì rất khó để tín dụng tăng trưởng” - ông Tú nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm