Bộ Công Thương kiến nghị tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng

(PLO)- Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi vay USD khoảng 2,1%-2,5% nhưng hiện nay đã lên đến trên 4%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-4 Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận nhiều khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu quý I sụt giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các khu vực, thị trường cũng đều giảm trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, Châu Âu.

Tại hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) nhận định sự sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong ba tháng đầu năm xuất thủy sản giảm 27,5% so cùng kỳ, là mức giảm tương đương trong giai đoạn dịch COVID -19 bùng phát nặng nhất.

Theo ông Nam, nguyên nhân là do lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước giảm đáng kể, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng nhưng không nhận hàng, khiến hàng tồn kho nhiều..

Đáng lo nữa đó là dòng tiền chậm về, trong khi rất nhiều nguồn vay ngân hàng đến hạn phải trả, DN không đủ tiền thu mua nguyên liệu.

Lãi suất vay ngân hàng cũng là vấn đề khiến các DN đau đầu bởi các DN xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi vay USD lãi dưới 3%, khoảng 2,1-2,5% hiện nay đã lên đến trên 4%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận trong ba tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ 11,9%.

Cụ thể, năm 2021 rất khó khăn kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 642 tỉ USD, năm 2022 rất ngoạn mục đạt 735 tỉ USD và năm 2023 kế hoạch tăng 6% đạt gần 800 tỉ USD nhưng năm 2023 quý I chỉ đạt 156 tỉ USD.

“Nếu không có đột phá ở những tháng tiếp theo thì cả năm chỉ đạt khoảng 600 tỉ USD, không khéo quay về năm 2021, thậm chí thê thảm hơn. ”-ông Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. ẢNH: T.HÀ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. ẢNH: T.HÀ

Theo ông Diên, để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, thời gian tới đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm thủy sản mà Việt Nam có lợi thế mà các nước có nhu cầu.

Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc để mở cửa thêm các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, ớt, chanh, dưa lưới.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần có những giải pháp chính sách hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu, nghiên cứu có chính sách về khoanh, giãn nợ cho DN, nhất là các DN sản xuất, xuất khẩu để không chỉ cứu đơn hàng mà còn giữ vững thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn vay, mức vay, lãi suất hợp lý để các DN duy trì được hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Ba tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 4,8 tỉ USD, dự báo bốn tháng đầu năm tiếp tục xuất siêu, có khả năng đạt 5,8 tỉ USD gần bằng mức xuất siêu của cả năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm