Báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán VNDirect vừa công bố cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế tăng 12,3%
Bằng chứng là tín dụng hệ thống đã tăng 8% từ đầu năm tính đến cuối 31-5 vừa qua, trong khi đó so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế chỉ đạt mức 5%.
Đã có hơn 11,1 triệu tỉ đồng được đẩy vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay. |
Tính đến quý 1-2022, tín dụng tăng 6% so với đầu năm nay và tăng 16,9% so với cùng kỳ, tương đương hơn 11,1 triệu tỉ đồng nhờ sức tăng trưởng từ các ngành nghề sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Ba ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết là BIDV, Vietcombank và Vietinbank chiếm 33,5% thị phần cho vay cả nước, ghi nhận tín dụng tăng 6,7% từ đầu năm, cao hơn mức tăng của toàn hệ thống. Tổng dư nợ cho vay của 15 ngân hàng niêm yết, chiếm 62% tín dụng hệ thống, tăng 6,7% tính đến cuối quý 1-2022.
Thống kê cho thấy, tính tới cuối quý 1 vừa qua, tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế (M2) tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng hệ thống. Tiền gửi của dân cư tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 3,3% so với đầu năm.
Bình luận về việc tiền gửi của cư dân tại các ngân hàng đang có sự tăng trưởng chậm lại, các chuyên gia kinh tế tại Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Tổng tiền gửi của khách hàng tại ba ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (chiếm 30% tổng M2), tăng 4,2% từ đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng chung.
Tổng tiền gửi của 15 ngân hàng niêm yết, chiếm 56% tổng M2, tăng 4,2% so với đầu năm ở cuối quý 1 năm nay (cao hơn nhiều so với mức 1,6% kể từ đầu năm ở cuối quý 1 năm ngoái). Chênh lệch tăng trưởng huy động - tín dụng đang nới rộng sẽ phần nào đè nặng lên các ngân hàng có thanh khoản thấp.
NIM sẽ giảm mạnh hơn trong nửa sau năm 2022
NIM là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng. NIM cho biết hiện các ngân hàng đang thực sự hưởng chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng là bao nhiêu.
Hiện các ngân hàng vẫn tiếp tục báo cáo tỉ suất sinh lợi trên tài sản giảm do hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng cách giảm, miễn trả lãi và giảm lãi suất cho vay.
Trong 3 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại Nhà nước ghi nhận mức giảm lợi suất trung bình là 35 điểm cơ bản so với cùng kỳ, trong khi lợi suất của các ngân hàng tư nhân niêm yết giảm trung bình là 46 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Mặt khác, chi phí vốn (COF) trung bình của các ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết giảm 22 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 2,97% trong quý 1-2022. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân niêm yết trung bình ghi nhận COF giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,4%. Chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN đã giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.
Trong quý 1-2022, NIM của các ngân hàng thương mại Nhà nước niêm yết giảm nhẹ 14 điểm cơ bản xuống 2,96%. NIM trung bình của các ngân hàng tư nhân niêm yết ghi nhận mức tăng 1 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 4,48%. Tuy nhiên mức tăng giảm của các ngân hàng có sự khác biệt.
VNDirect nhận thấy các ngân hàng có lợi thế về chi phí vốn thấp hơn nhờ cải thiện CASA và hoặc hệ số cấp tín dụng/tổng huy động (LDR) thấp, tiếp tục duy trì hoặc mở rộng NIM.