Vì sao Trung Đông ngày càng xa rời Mỹ thời ông Biden?

(PLO)- Các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông muốn tránh đối đầu với Nga khi ảnh hưởng của Moscow ngày càng tăng trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong nhiều thập niên, chính sách của Mỹ tại Trung Đông dựa trên sự phối hợp với các quốc gia vùng Vịnh do Saudi Arabia dẫn đầu, với Israel, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kể từ thời chính quyền ông Barack Obama, mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh quan trọng ở Trung Đông trở nên khó khăn, làm ảnh hưởng khả năng của Mỹ trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông cũng như hình thành sự đồng thuận trong khu vực.

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: AFP / Mikhail Klimentyev / SPUTNIK

Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: AFP / Mikhail Klimentyev / SPUTNIK

Mối quan hệ rắc rối giữa Mỹ với các đồng minh Trung Đông trở nên đặc biệt rõ rệt sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Dẫu rằng tất cả các quốc gia Trung Đông là đồng minh của Mỹ đều lên án Nga trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc hồi tháng 3 song chỉ có Israel là thực hiện các biện pháp trừng phạt nhưng cũng rất ít.

Việc các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông từ chối áp lệnh trừng phạt với Nga phản ánh ý định của họ nhằm tránh đối kháng Nga – nước có ảnh hưởng ngày càng lớn tại khu vực này. Ngoài ra điều này cũng phản ánh sự không hài lòng của họ đối với Mỹ và đồng thuận ý kiến rằng ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang suy yếu.

Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia

Mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia bắt đầu xấu đi đáng kể vào năm 2015. Thỏa thuận hạt nhân Iran do ông Obama thực hiện đã gây ra báo động đáng kể với Riyadh, trong khi sự can thiệp của Saudi Arabia tại Yemen – cũng bắt đầu vào năm 2015 – lại chỉ nhận được sự ủng hộ hững hờ của Mỹ.

Đến thời người kế nhiệm ông Obama - Tổng thống Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã có cách tiếp cận ủng hộ Saudi Arabia hơn. Ông Trump đã đến Saudi Arabia ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở thành tổng thống, đồng thời tăng cường bán vũ khí cho nước này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm dừng bán vũ khí cho UAE và Saudi Arabia. Ảnh: US Central Command (CENTCOM)/AFP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạm dừng bán vũ khí cho UAE và Saudi Arabia. Ảnh: US Central Command (CENTCOM)/AFP

Trong khi đó, ông Biden áp dụng lập trường cứng rắn với Saudi Arabia trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Ông Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ biến Saudi Arabia thành “kẻ ngoài lề” nếu đắc cử, đồng thời lên án các chính sách của Saudi Arabia tại Yemen, yêu cầu nước này chịu trách nhiệm cho vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia - ông Jamal Khashoggi năm 2018.

Những lập trường về chính sách đối ngoại này được đưa ra trong chiến dịch tranh cử được ông Biden tiếp tục thực hiện sau khi đắc cử.

Nhiều tuần sau khi bước vào Nhà Trắng năm 2021, ông Biden công bố một báo cáo tình báo của Mỹ năm 2018 về vụ ám sát nhà báo Khashoggi, trong đó kết luận rằng vụ ám sát ông Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ do Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia phê duyệt. Ông Biden còn dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia, thông báo chấm dứt sự ủng hộ của Mỹ dành cho chiến dịch của nước này tại Yemen, đồng thời loại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen khỏi danh sách khủng bố của Mỹ.

Ý định của ông Biden là giảm sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông, một phần của xu hướng đang diễn ra kể từ thời chính quyền ông Obama. Điều này cũng gây ra báo động cho Riyadh.

Saudi Arabia từ lâu dựa vào sự hiện diện của Mỹ để ngăn chặn mối đe dọa tại Trung Đông, từ khi Saddam Hussein cầm quyền Iraq cho đến Iran ngày nay. Và những tuyên bố của ông Biden về lập trường ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông càng làm Saudi Arabia thêm lo lắng cho an ninh nước mình.

Lo ngại an ninh của vùng Vịnh

Năm 2021, hơn 300 cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của lực lượng Houthi nhằm vào Saudi Arabia. Gần đây cũng có các cuộc tấn công mà Houthi tiến hành nhằm vào Các Tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất (UAE). UAE cũng tham gia chiến dịch do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.

Tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại các nước vùng Vịnh và niềm tin rằng Mỹ không sẵn sàng cung cấp hỗ trợ thỏa đáng cho họ đã thúc đẩy các nước Ả Rập nỗ lực đa dạng hóa các bên bảo đảm an ninh cho họ.

Chẳng hạn tháng 8-2021, Saudi Arabia và Nga ký thỏa thuận nhằm phát triển hợp tác quân sự chung giữa hai nước. UAE đã đồng ý mua hàng chục tiêm kích Rafale và trực thăng của Pháp vào tháng 12-2021, đồng thời ký hợp đồng hàng tỉ USD với Hàn Quốc mua hệ thống phòng không (dựa trên thiết kế của Nga) hồi tháng 1.

Còn có thông tin tiết lộ hồi tháng 12-2021 rằng Saudi Arabia đang chế tạo tên lửa cho riêng nước này với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo của cả Saudi Arabia và UAE gần đây từ chối các cuộc gọi từ ông Biden để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine ngay sau khi Nga phát động tấn công nước này. Ngoài ra, Riyadh còn từ chối lời kêu gọi của Mỹ tăng sản lượng dầu và giúp giảm giá dầu hồi giữa tháng 2. Và hồi tháng 3, Saudi Arabia và Qatar đã chỉ trích phương Tây vì phản ứng kiên quyết với Nga tại Ukraine trong khi phớt lờ những cuộc khủng hoảng khác tại Trung Đông.

Quan hệ của Mỹ với Israel

Mối quan hệ của Israel với Mỹ có nhiều biến động trong những năm gần đây. Ông Obama và Thủ tướng Israel khi đó Benjamin Netanyahu có mối quan hệ căng thẳng liên quan tới Palestine cũng như thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ghé thăm Bức tường phía Tây ở Jerusalem ngày 22-5-2017. Ảnh: Jonathan Ernst/REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump ghé thăm Bức tường phía Tây ở Jerusalem ngày 22-5-2017. Ảnh: Jonathan Ernst/REUTERS

Mối quan hệ Mỹ-Israel được khôi phục dưới thời Tổng thống Trump, người đã tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đồng thời thực hiện cách tiếp cận mạnh mẽ hơn chống lại Iran (trong đó có hủy thỏa thuận hạt nhân Iran).

Tuy nhiên, những nỗ lực mới của chính quyền ông Biden nhằm tái thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với những cảnh báo về việc Israel mở rộng khu tái định cư ở Bờ Tây đã làm phức tạp trở lại mối quan hệ Mỹ-Israel. Ảnh hưởng của Nga đối với Iran và Syria cũng khiến Israel thận trọng khi lên án Điện Kremlin, vì e rằng có thể họ sẽ cần sự hỗ trợ của Nga nhằm xoa dịu các cuộc khủng hoảng trong tương lai với hai quốc gia này.

Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Sự xuống cấp mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong thập niên qua trở nên ngày càng rõ ràng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đối mặt sự chỉ trích của Mỹ liên quan tới chính sách đối nội của ông. Trong khi đó, nhiều người tại Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ liên quan tới cuộc đảo chính bất thành nhằm loại bỏ ông Erdogan năm 2016.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: AFP

Năm 2018, chính quyền ông Trump áp lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ sau căng thẳng dâng cao giữa hai nước. Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, khiến nước này bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 là F-35, và Mỹ đã áp thêm lệnh trừng phạt vào nước này tháng 12-2020.

Thổ Nhĩ Kỳ còn củng cố mối quan hệ kinh tế với Nga thông qua các thỏa thuận năng lượng, quan hệ du lịch và thương mại. Nga là nước nhập khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa hai nước tiếp tục vững mạnh bất chấp sự kiện tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom của Nga tại Syria năm 2015 cũng như các phe đối lập của hai nước này tại các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Libya, Syria và các nước thuộc Liên Xô ngày xưa.

Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối các biện pháp trừng phạt áp vào Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây tránh cô lập Nga mà thay vào đó tập trung vào đối thoại như một hướng đi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Đòn bẩy của Nga

Việc Mỹ từ bỏ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm 2011 cùng với chính sách tái lập quan hệ với Iran của chính quyền ông Biden lần nữa tô đậm bản chất lưỡng cực trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại một khu vực vốn nhiều bất ổn. Trong khi đó, sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến tranh Syria đã cho thấy Điện Kremlin sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh của mình một cách nhất quán, ngay cả khi chính họ đang chịu áp lực lớn.

Niềm tin rằng Mỹ không thể cung cấp cho các đồng minh truyền thống của mình tại Trung Đông sự hỗ trợ có ý nghĩa, điều này có nghĩa là các đồng minh của Mỹ đương nhiên phải cảnh giác với việc làm mất lòng Nga – nước gia tăng ảnh hưởng đáng kể trong khu vực nhờ chiến lược chặt chẽ hơn tại Trung Đông trong những năm gần đây. Chẳng có gì mới để cung cấp cho họ, chính quyền ông Biden có nguy cơ chứng kiến các đồng minh của Mỹ tiếp tục rời xa trong khu vực.

Nga và Syria là đồng minh và hình ảnh của Tổng thống Nga Putin có thể được tìm thấy trên đồ lưu niệm tại các khu chợ ở Syria. Ảnh: DW

Nga và Syria là đồng minh và hình ảnh của Tổng thống Nga Putin có thể được tìm thấy trên đồ lưu niệm tại các khu chợ ở Syria. Ảnh: DW

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm