Vì sao xe tải nặng là “hung thần”? - Bài cuối: Để triệt “hung thần”…

Cùng với đó là các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý ở các trường đào tạo lái xe, dễ dãi trong đào tạo, vô hình trung tạo ra những “hung thần” trên đường. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT, nơi quản lý về đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đã lên tiếng…

ÔngNguyễn Ngọc Đông,Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

Sẽ rút giấy phép trường dạy lái xe vi phạm

Trong thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh việc học và sát hạch lái xe quy trình ngày càng điều chỉnh theo hướng siết chặt.

Về tình trạng tài xế “bằng thật, học giả” thì chúng tôi phải tăng cường thanh tra để phát hiện các trường hợp nộp tiền nhưng không học hoặc không đúng theo giáo án. Nhiều trường dạy lái khi xin giấy phép đều đưa ra quy trình đào tạo rất bài bản nhưng khi kiểm tra thực tế thì khác. Lúc đầu hồ sơ họ thể hiện địa điểm, số lượng xe thực hành đầy đủ nhưng một thời gian sau thì số lượng xe không đúng như đăng ký ban đầu.

Nếu phát hiện các trường dạy lái xe vì lợi nhuận mà không thực hiện đúng quy trình đào tạo thì chúng tôi sẽ rút giấy phép, không cho dạy lái xe nữa. Nhiều trung tâm, trường dạy lái xe bị rút giấy phép rồi.

Còn xử lý việc tài xế sử dụng bằng giả thì riêng ngành GTVT không thể giải quyết được mà phải có sự phối hợp của ngành công an.

Nếu tài xế được đào tạo bài bản thì sẽ không có những vụ tai nạn giao thông do lỗi sơ đẳng. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn do xe chở nặng, vào cua gấp khiến xe lật đè chết bốn người ở Bình Dương. Ảnh: VÕ BÁ

Cần thấy rằng để giải quyết việc “học giả, bằng thật” thì doanh nghiệp vận tải cũng phải có trách nhiệm. Đến ngày 1-7-2011, lái xe container phải có bằng FC (bằng dấu C chuyển đổi lên FC), nhiều trung tâm chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị cho đào tạo, sát hạch nhưng tài xế và các doanh nghiệp vận tải không quan tâm lắm. Chúng tôi phải đi từng địa phương, đề nghị các hiệp hội vận tải thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải, tài xế bằng dấu C đăng ký học để chuyển đổi lên FC.

ÔngNguyễn Văn Quuyền,Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:

Sở GTVT phải tăng cường kiểm tra

Việc cấp phép cho các đơn vị đào tạo và cấp bằng lái xe căn cứ vào nhu cầu đào tạo của từng địa phương. Các cơ sở có khả năng đào tạo sẽ báo cáo xin cấp giấy phép lên Sở GTVT và nơi này báo cáo về Tổng cục Đường bộ. Sau khi được chấp nhận, cơ sở đó sẽ tiến hành việc xây dựng sân tập, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất… Tổng cục sẽ thành lập một tổ trong đó có cán bộ của Tổng cục, đại diện Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị chức năng khác tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở đó, dựa trên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, con người… Nếu đáp ứng được các quy định hiện hành thì chúng tôi sẽ cấp phép.

Khi trung tâm đào tạo đi vào hoạt động, việc quản lý sẽ được giao cho Sở GTVT ở địa phương đó. Nếu phát hiện ra sai phạm, sở sẽ báo cáo về cho Tổng cục, căn cứ vào sai phạm thực tế mà chúng tôi sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Việc không phát hiện ra sai phạm của các trung tâm là trách nhiệm của Sở GTVT tại nơi trung tâm đó hoạt động.

Nguyên nhân gia tăng tai nạn trong thời gian gần đây do các xe vận tải gây ra có rất nhiều yếu tố. Ban đầu có thể xuất phát từ đơn vị sử dụng lái xe, do tuyển chọn chưa kỹ, cũng có thể do khoán số chuyến, sử dụng lái xe không đúng quy định, không tôn trọng luật lao động… không thực hiện đúng các quy định hiện hành trong tuyển dụng. Hay do người lái xe thiếu ý thức trong quá trình đào tạo, học không đầy đủ chẳng hạn…

Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM:

Chương trình đào tạo vừa thừa vừa thiếu

Theo tôi, chương trình hiện tại vừa thừa, vừa thiếu. Ví dụ 20 tiết học về nghiệp vụ vận tải với các nội dung về giao nhận, bảo quản hàng hóa không thật cần thiết vì đó là nghiệp vụ của nhân viên các doanh nghiệp vận tải chứ không phải lái xe. Thừa nữa là hiện nay, lái xe khách, xe taxi, xe buýt… đều phải có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ do Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cấp. Còn 16-20 giờ học đạo đức của người lái xe thì không thể đủ được.           

Việc sát hạch hiện nay do máy thực hiện nên học viên sau khi tập đi tập lại nhiều lần trên sa hình đều đạt. Thực tế nhiều người đạt sát hạch nhưng khi lái thực tế trên đường thì xử lý kém. Ngay cả khi anh đã tập lái trên 1.000 km đường trường thì cũng chưa hẳn anh đã có được các kỹ năng lái xe trong mọi địa hình, tình huống. Thời gian học theo quy trình chỉ có thể cung cấp các kỹ năng cơ bản, còn tích lũy tiếp theo và vận dụng như thế nào là trong quá trình hành nghề của người lái.

Quy định của ta là người lái phải từ trên 24 tuổi mới được lái các loại xe tải nặng, xe khách loại lớn… Trong khi ở nhiều nước là phải trên 30 tuổi và phải có gia đình, vợ con hoặc đang phải nuôi người thân. Từ đó, khi anh ngồi sau vô lăng mới có trách nhiệm không chỉ với chiếc xe, người đi đường mà cả với gia đình. Chúng tôi cũng từng đưa vấn đề này ra nhưng nhiều ý kiến cho rằng như thế thì không dùng được lao động trẻ, tuổi nghề của người lái các loại xe trên sẽ ngắn…

Lỗ hổng lương tâm

Những chiếc xe tải nặng tự nó không thể gây chết chóc hay thảm họa. "Hung thần" thật sự chính là người ngồi sau tay lái. Thế nhưng điều gì biến họ - những người ôm vô lăng làm nghề kiếm sống lương thiện - thành "hung thần"?

Nhiều người lái xe đã chủ quan vào khả năng, lười nhác học hành, muốn có tấm bằng để hợp pháp hóa việc hành nghề. Họ kém hiểu biết luật lệ, mua và sử dụng bằng lái xe giả. Khi đó chính những kẻ làm ra, mua bán, lưu hành và sử dụng bằng giả đã gián tiếp biến chiếc xe thành cỗ máy giết người di động.

Những cơ sở đào tạo lái xe buông lỏng quản lý, chú trọng doanh thu mà bỏ qua khả năng thật sự của học viên cũng gián tiếp tạo ra "hung thần". Ai có thể yên tâm khi tham gia giao thông nếu biết rằng người điều khiển chiếc xe tải nặng đang chạy trên đường kia chỉ biết nổ máy và đạp ga? Ai có thể yên tâm khi biết rằng chỉ sau một cú dừng đèn đỏ, một cái xi-nhan xin vượt ở cự ly quá gần, cỗ xe kia có thể nghiến nát mình?

Chương trình đào tạo lái xe, nếu được xây dựng một cách hợp lý thì sẽ góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những hậu quả thảm khốc. Trước khi biết điều khiển xe, người ngồi sau tay lái phải biết quý trọng sự sống của mình và người khác. Khi chọn nghề này để chăm lo cho gia đình và tương lai của bản thân, họ phải hiểu rằng sự bất cẩn, chủ quan, yếu kém của mình có thể nghiền nát tương lai của mình và của người khác. Rất tiếc, bài học về đạo đức nghề nghiệp không được chú trọng trong chương trình dạy lái.

Việc kiểm tra hoạt động của những trung tâm dạy lái xe vẫn còn hình thức và đối tượng bị kiểm tra rất dễ đối phó. Đó là chưa kể những sự thông đồng, móc ngoặc của cán bộ sát hạch, cấp bằng (như ở Đồng Nai mới đây). Điều đó khiến nhiều người chưa đủ kỹ năng, kiến thức và kém hiểu biết pháp luật vẫn được cấp bằng.

Nhiều chủ xe đã giao phó cả khối tài sản của mình cho những người không đủ khả năng điều khiển. Việc ép tài xế tăng chuyến, chở quá tải, khai thác quá sức chịu đựng của phương tiện có thể nhất thời giúp họ gia tăng lợi nhuận, quay vòng nhanh đồng vốn nhưng nó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Khi đó, ngoài thiệt hại của người khác, chủ phương tiện cũng bị thiệt hại nặng nề do gián đoạn kinh doanh vì phương tiện hư hỏng.

400 là số giấy phép lái xe giả mà Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM và công an các quận, huyện đã phát hiện từ đầu năm 2011 đến nay. Cũng trong thời gian này, Sở GTVT TP.HCM đã phát hiện khoảng 30 trường hợp giấy phép lái xe giả.

Và cuối cùng là những tiêu cực, dấm dúi của người có chức năng tuần tra, xử lý vi phạm. Khoản tiền mãi lộ khiến nhiều người bỏ qua lỗi vi phạm, nguy cơ mất an toàn. Chiếc xe vi phạm có thể được cho qua sau một khoản lót tay nhưng rất có thể ngay sau đó, nó sẽ gây tai nạn thảm thương cho người khác.

Chiếc xe tải nặng và người điều khiển nó đã đi qua những lỗ hổng trong vận hành và kiểm soát xã hội và biến thành "hung thần". Vậy thì phải gọi tên những lỗ hổng gây nên chết chóc ấy là gì? Lỗ hổng trách nhiệm e chưa đủ, phải gọi đó là lỗ hổng lương tâm!

ĐỨC HIỂN

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới