Cuộc sống dân sự bao gồm những hành vi của chủ thể và những sự kiện xoay quanh, trong đó chủ yếu là những hành vi, sự kiện liên quan đến tài sản. Các quyền của chủ thể đối với tài sản được hình dung là những công cụ khai thác năng lực của tài sản trong quan hệ dân sự: quyền thu hoa lợi để đem tài sản cho người khác thuê; quyền định đoạt để đem tài sản bán cho người khác hoặc trao đổi tài sản để lấy một tài sản khác...
Với cách nhìn nhận về bản chất như thế của BLDS thì việc đưa chế định sở hữu toàn dân (SHTD) vào trong bộ luật, như là một phần của chương nói về tài sản và quyền sở hữu, có vẻ không được bình thường.
SHTD, theo giả thiết, là sở hữu của toàn thể quốc dân đối với tài sản. Gọi là của toàn dân nhưng đó không phải (không thể) là tài sản chung của mọi người dân, được hiểu là mỗi người có một phần quyền sở hữu. Đó cũng không phải là tài sản của một chủ thể duy nhất gọi là toàn dân: chủ thể này không tồn tại trong pháp luật dân sự. Trong logic suy nghĩ, chỉ có một chủ thể duy nhất đủ tư cách về mọi phương diện để đảm nhận vai trò chủ sở hữu của toàn dân đối với tài sản, đó là Nhà nước. Mà Nhà nước, với tư cách là một thực thể pháp lý, chỉ là một cá thể, giống như cá thể con người (gọi là cá nhân) hoặc cá thể công ty (gọi là pháp nhân). SHTD, được đồng hóa với sở hữu nhà nước (SHNN), suy cho cùng chỉ là một dạng sở hữu của một chủ thể, còn được gọi là sở hữu riêng theo dự thảo BLDS (sửa đổi).
Có thể có ý kiến cho rằng không thể coi SHTD (hay SHNN) là một loại sở hữu riêng bình thường, bởi vì đối tượng của SHTD là của cải của quốc gia chứ không phải tài sản của một chủ thể tư nhân. Tuy nhiên, một khi đã xác định SHTD là sở hữu của một chủ thể thì không có lý do gì phân biệt giữa chủ sở hữu là toàn dân và chủ sở hữu là cá nhân con người đối với một tài sản bình thường. Một căn nhà ở thuộc SHNN không thể khác một căn nhà thuộc sở hữu tư nhân (SHTN) khi được đưa vào giao dịch dân sự: Việc cho thuê, bán nhà thuộc SHNN, cũng như việc cho thuê, bán nhà thuộc SHTN đều phải theo luật chung về hợp đồng mua bán nhà. Có thể trước khi xúc tiến việc giao kết hợp đồng theo pháp luật chung, Nhà nước phải thực hiện một loạt công việc mà tư nhân không làm như xét duyệt ứng viên thuê hoặc mua, tổ chức đấu giá… Những việc đó nhằm mục đích cho thuê, bán tài sản công với giá tốt nhất có thể, nghĩa là để ngăn chặn tham nhũng. Các quy định về những việc này là một phần của chế độ quản lý công sản, không liên quan đến BLDS.
Đúng là ở Việt Nam có những tài sản thuộc SHTD rất đặc biệt mà tư nhân không thể có như đất đai, tài nguyên thiên nhiên… Các tài sản này không thể giao dịch theo pháp luật dân sự: việc giao đất, cho thuê đất, nhượng quyền khai thác tài nguyên theo pháp luật đất đai, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên. Quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, một khi được xác lập, trở thành tài sản của tư nhân và chịu sự chi phối của luật chung về sở hữu.
Ở Pháp, tài sản thuộc SHNN được chia thành hai loại: tài sản công (domaine public) và tài sản tư (domaine privé). Dù là công hay tư thì chừng nào còn nằm trong tay nhà nước, tài sản thuộc SHNN là đối tượng của chế độ quản lý công sản, thuộc ngành luật hành chính. Cả hai loại tài sản này đều chỉ được khai thác phục vụ công ích. Tài sản công của nhà nước là tài sản không thể được chuyển nhượng cho tư nhân; còn tài sản tư của nhà nước thì có thể chuyển nhượng cho tư nhân khi cần thiết.
Ví dụ điển hình về tài sản công của nhà nước là công trình di tích lịch sử thuộc sản nghiệp quốc gia; còn tài sản tư tiêu biểu của nhà nước là tài sản được giao cho tổ chức sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân (trường học, bệnh viện công chẳng hạn) làm chủ. Khi xác lập giao dịch liên quan tài sản tư của nhà nước, tổ chức đảm nhận tư cách chủ sở hữu tài sản giao dịch và bên tư nhân đối tác chỉ cần tuân thủ các quy định của luật chung về giao dịch dân sự; còn những việc gì đó cần thiết nhằm ngăn chặn tham nhũng là việc nội bộ của hệ thống quản lý công sản, tư nhân không bận tâm.
Riêng những tài sản của nhà nước được đầu tư vào các doanh nghiệp thì theo luật của Pháp, trở thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Đó là tài sản thuộc sở hữu riêng và được quản lý, sử dụng theo các quy định thông thường áp dụng cho tài sản của tư nhân. Không có chế độ đặc biệt, trong khuôn khổ luật dân sự, áp dụng cho căn nhà có nguồn gốc SHNN so với căn nhà có nguồn gốc SHTN, một khi cả hai căn nhà đã được góp vốn vào một công ty có tư cách pháp nhân.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế
- Luật TP.HCM