Báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải bài viết “TP.HCM lắp camera giám sát trên xe thu gom rác” đã thu hút nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc.
Theo đó, bạn đọc bày tỏ ủng hộ phương án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình các phương tiện vận chuyển rác sinh hoạt và lắp camera giám sát tại các trạm trung chuyển rác ở TP.HCM. Bởi phương án này được Sở TN&MT thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, bạn đọc cũng góp ý thêm một số biện pháp góp phần hạn chế ô nhiễm, đảm bảo trong công tác quản lý thu gom rác thải.
Bạn đọc ủng hộ!
Một số bạn đọc cho rằng việc lắp đặt thiết bị giám sát trên các phương tiện vận chuyển rác và lắp camera giám sát tại các trạm trung chuyển rác sẽ góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm, ùn ứ, lộn xộn tại trạm trung chuyển. Đồng thời, các phương tiện cũng đến thu gom rác đúng giờ quy định, hạn chế ùn tắc giao thông.
“Nếu thực hiện các biện pháp, thiết nghĩ các điểm trung chuyển rác sẽ giảm bớt tình trạng nhếch nhác hơn. Hiện nay, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy các điểm trung chuyển tại TP vào các giờ tập kết rác trông không khác gì bãi rác thật sự, rác chất đống, bốc mùi, nước rỉ rác thì liên tục chảy ra mặt đường. Khi xe rác đến lấy rác, dù rác thải không còn ở trạm nhưng mùi hôi vẫn còn, thậm chí mặt đường cũng không được vệ sinh kỹ”, bạn đọc Mỹ Thanh.
“Tôi thấy các công nhân mang rác đến trạm trung chuyển quá sớm, trong khi xe rác đến lấy tại trạm thì quá muộn. Việc này khiến cảnh rác chất đống tại trạm xuất hiện trong một thời gian dài làm ảnh hưởng đến mỹ quan và cả vấn đề môi trường. Khi lắp hành trình của các phương tiện có thể sẽ hạn chế vấn đề này, công nhân thu gom và xe rác sẽ đến đúng theo giờ quy định”, bạn đọc Lê Thị Ngọc Oanh.
“Đây là một biện pháp hay và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả trong công tác quản lý. Các công nhân sẽ có trách nhiệm hơn trong vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường tại các trạm trung chuyển. Bên cạnh đó, đội ngũ giám sát, quản lý các phương tiện cũng như các trạm trung chuyển cũng cần siết chặt, đưa ra các hướng xử lý ngay nếu thấy có sai phạm”, bạn đọc Nguyễn Tú.
Có thể áp dụng các biện pháp khác
Một số bạn đọc khác cho rằng biện pháp trên tuy có thể hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, giao thông… nhưng chỉ là phương án tạm thời. Về lâu dài, cần phải có biện pháp khác.
"Theo tôi được biết, những công nhân trực tiếp đến nhà dân để lấy rác mang đến trạm trung chuyển họ phải đi lấy ở rất nhiều hộ. Do đó việc họ mang rác đến trạm sớm là điều dễ hiểu, vì họ phải tranh thủ lấy tất cả các hộ và kịp giờ xe rác đến lấy nên rác chất đống ở trạm trung chuyển rác một thời gian dài có thể do nguyên nhân này. Biện pháp mà Sở TN&MT thực hiện như đã nêu trên có thể là biện pháp tốt nhưng cần cân nhắc thêm biện pháp tuyển thêm công nhân thu gom”, bạn đọc Trần Ái Vy.
“Các trạm trung chuyển ở phường, quận ngoại ô thì không nói. Các trạm ở quận trung tâm mới đáng để quan tâm, vì các địa phương này rất khó tìm điểm trung chuyển thích hợp. Đa số sẽ tận dụng những bờ tường dài, trống của các đơn vị, công ty làm trạm và hầu hết các trạm đều ở các mặt đường lớn. Điều này gây ra không ít bất cập và các vấn đề liên quan. Vậy mấu chốt chính là vị trí của trạm, TP nên có một kế hoạch quy hoạch các địa điểm của trạm. Đây là một phương án về lâu dài, chứ còn lắp camera, giám sát hành trình chỉ là phương án trước mắt”, bạn đọc Thái Khương.
“Theo quan sát của tôi, các trạm trung chuyển rác do công ty dịch vụ công ích trực tiếp thu gom tại nhà dân rồi mang đến sẽ đỡ ô nhiễm hơn các trạm do hợp tác xã thu gom. Không biết lý do phía sau là gì nhưng theo tôi các đơn vị hợp tác xã nên làm việc lại với công nhân vì lợi ích chung của xã hội”, bạn đọc Tuấn Cường.
“Các điểm trung chuyển, các phương tiện vận chuyển rác sau khi thực hiện thu gom, vận chuyển dù có vệ sinh nhưng vẫn để lại dấu vết. Chúng ta nên chú trọng vấn đề này hơn, vệ sinh một cách sạch sẽ, không thể để rác hay nước thải còn tồn động lại trạm sau khi xe rác đã mang đi. Công tác khử mùi xe rác và các trạm cũng cần được đảm bảo hơn”, bạn đọc Yến Trang.
"Nên để các công nhân giám sát hành trình của các phương tiện vận chuyển, từ đó họ sẽ kiểm soát được hoạt động của nhau và phối hợp ăn ý hơn trong quá trình làm việc", bạn đọc Nguyễn Văn Huy.