Nhận xong phần quà, cô Mai Thị Báu tất tả mang ra chiếc xe đạp cọc cạch bên vệ đường gói gém cẩn thận rồi đảo mắt hỏi người xung quanh hòm công đức nhà chùa ở đâu cô bác ơi?
Có người hỏi lại cô hỏi để làm gì? Cô Báu thỏ thẻ tôi muốn góp chút công sức lao động của mình để cùng nhà chùa lo cho những người cùng cảnh ngộ. Nói rồi, người phụ nữ dáng người gầy khô, rút tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng cuộn trong xấp tiền lẻ đi nhanh đến hòm công đức.
Cô Mai Thị Báu gom góp chút tiền từ bán vé số góp vào hòm công đức để nhà chùa lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ảnh: AN
Cô Báu trải lòng, quê mình mãi tận Thái Nguyên, ly hương vào Sài Gòn tám năm nay làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Ba năm nay sức khỏe xuống nhanh nên cô xoay sang bán vé số, dọc đường tiện thì lượm ve chai để cải thiện thu nhập.
“Sức đã yếu đi lại không còn hoạt bát nên ngày chỉ bán 100 tấm vé số, có ngày bị vài người xấu lừa không trả tiền và có khi còn bị giật vé trên tay nên có ngày còn bù tiền cho đại lý” - cô kể.
Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá, sức khỏe còn khá yếu sau 21 ngày nhịn ăn để cầu nguyện cho chúng sinh vượt qua đại dịch COVID-19, phát quà cho những người khiếm thị. Ảnh: AN NHIÊN
Trong dòng người đến nhận những phần quà của chùa Lá, tôi cũng trò chuyện với cô Tạ Thị Nguyên cùng làm nghề bán vé số. Cô nói hiện đang trú tại quận Gò Vấp. Cơn đại dịch kéo dài khiến công việc của những người bán số dạo như mình bị gián đoạn một thời gian, nguồn mưu sinh vì thế cũng bị ngưng trệ, bữa ăn bấp bênh.
Bởi thế khi có phiếu nhận quà cô không khỏi vui mừng vì ít nhiều cũng giúp vượt qua giai đoạn khó khăn nên từ 6 giờ sáng cô đã đến xếp hàng để nhận quà rồi còn đi bán vé số.
Cô Tạ Thị Nguyên trải lòng về những ngày khó khăn do dịch COVID-19 khiến thu nhập của người bán vé số bấp bênh. Ảnh: AN NHIÊN
Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá khá kiệm lời thông tin đây là đợt thứ sáu (ngày 15-5), nhà chùa cùng các mạnh thường quân hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do cơn đại dịch COVID-19.
Mỗi phần quà gồm gạo, bột ngọt, mì tôm, nước tương, dầu ăn… đến những người vô gia cư, người khuyết tật, bán vé số, bán hàng rong có thu nhập bấp bênh đang sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác.
Riêng đợt thứ 6 này, ban đại diện chùa Lá phát tổng cộng 500 phần, trong đó phát trực tiếp tại chùa cho những mảnh đời khó khăn 200 phần. Cùng ngày, 300 phần cũng được phát tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận do nơi này bị hạn hán, thu nhập của nhiều hộ nghèo vì thế khá bấp bênh.
Những người khiếm thị đến nhận quà tại chùa Lá, quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: AN NHIÊN
Thượng tọa Thích Nhuận Tâm, nhẩm tính sau sáu đợt, chùa Lá cùng các nhà tài trợ đã phát tổng cộng 20 tấn gạo, nhu yếu phẩm và 500 triệu đồng đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.
"Trong cơn đại dịch, nhiều người bán vé số, bán hàng rong, sinh viên, người bị bệnh tật rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không có thu nhập. Từ đó, chùa cùng các mạnh thường quân chung tay gom góp để giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này, để họ vững tâm trên đường mưu sinh. Tuy nhiên, trong dòng người ấy có người tâm không tốt, họ đã scan phiếu do chùa phát ra để nhận quà. Phát hiện điều này chùa đã cảnh báo và họ tự nhận thấy lương tâm không cho phép nên đã tự rút đi" - vị trụ trì chùa Lá chia sẻ.
Trước đó, mừng ngày lễ Phật Đản vừa rồi, chùa đã lắp máy ATM gạo để hỗ trợ cho sinh viên, người nghèo rơi vào tình thế khó khăn do tác động dịch bệnh, với tổng lượng gạo khoảng 15 tấn. Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, Thượng tọa Thích Nhuận Tâm đã nhịn ăn 21 ngày để cầu nguyện cho chúng sinh vượt qua đại dịch.
Chùa Lá được nhiều người biết đến là nơi mở Trung tâm Ngoại ngữ miễn phí Thiện Nhơn, tổ chức dạy miễn phí sáu ngôn ngữ phổ biến trên thế giới (tiếng Anh, Đức, Trung, Nhật, Pháp, Hàn) cho học sinh, sinh viên đang sinh sống, học tập tại TP.HCM. Đến nay, trung tâm này đã dạy miễn phí cho hàng chục ngàn sinh viên.