Là một người yêu thích khám phá văn hoá địa phương, những thành phố cổ kính, di tích văn hoá lịch sử của thế giới luôn là lựa chọn ưu tiên của tôi trong những chuyến đi của mình. Tôi hiếm thấy nơi nào có cách làm lạ như đề xuất của Hội An: Thu phí tham quan phố cổ (có thể gọi nôm na là bán vé vào cổng, hay phí vào cổng).
Thế giới: Chỉ bán vé tại vài di tích đặc biệt
Mới đây nhất là hai tuần “sống chậm” của tôi ở Luang Phrapang, cố đô của nước Lào, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1995. Luang Phrapang có các dinh thự lộng lẫy của giới quý tộc hoàng gia xen lẫn khu dân cư với những dãy nhà phố chợ búa công trình đậm nét kiến trúc thời thuộc địa và những ngôi chùa Phật giáo cổ kính. Nhịp sống ở đây hiền hoà, chậm rãi và thong dong.
Vì những nét độc đáo đó, Luang Phrapang là điểm đến hàng đầu của du khách khi đến Lào.
Khách đến Luang Phrapang không phải mua vé vào cửa nhưng sẽ phải trả một khoản phí nhất định khi thăm viếng di tích đặc biệt như cung điện Hoàng gia, leo núi Phousi, chùa Wat Xieng Thong….
Đó cũng là cách làm của nhiều thành phố di sản khác trên thế giới mà tôi đến như San Miguel de Allende, nơi mà người Mexico rất đỗi tự hào. Không có cái gọi là “phí vào cổng” tại thành phố di sản đẹp đến sững sờ này.
Luang Phrapang, cố đô của nước Lào, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1995, được du khách yêu mến vì sự cổ kính, thanh bình, hiền hoà. Ảnh: TÚ NGUYỄN |
Luang Phrapang là điểm đến hàng đầu của du khách khi đến Lào. Ảnh: TÚ NGUYỄN |
Khách đến Luang Phrapang không phải mua vé vào cửa nhưng sẽ phải trả một khoản phí nhất định khi thăm viếng di tích đặc biệt. Ảnh: TÚ NGUYỄN |
Một nước nghèo nhưng giàu có di sản văn hoá thế giới như Cuba với phố cổ La Habana, thung lũng Vinales, thành phố Cienfuegos và Trinidad cũng không hề có khoản thu nào gọi là “vé vào cổng phố cổ” như cách làm của Hội An sắp tới.
Theo góc nhìn của cá nhân tôi (có thể mang tính chủ quan), cố đô Luang Phrapang có nhiều yếu tố hấp dẫn để giữ chân du khách hơn là phố cổ Hội An. Hiếm có du khách nào đã đến Luang Phrapang mà sáng đi chiều về, dù chi phí ăn ở đi lại tại Luang Phrapang xấp xỉ hoặc còn nhỉnh hơn Hội An.
Thế nhưng mọi người vẫn cứ yêu mến Luang Phrapang, những ngày tháng 3 vừa qua chợ đêm Luang Phrapang đông nghìn nghịt du khách. Một điều đặc biệt nữa, đa số khách đến Luang Phrapang hiếm khi ở một ngày, thông thường vài ba ngày đến vài tuần. Một phần do đường đến Luang Phrapang khá khó.
Tưởng là nguồn thu, coi chừng thua nặng
Không mua vé vào cổng phố cổ, vậy có phải du khách chỉ hưởng thụ mà không đóng góp để địa phương duy trì bảo tồn di sản hay không?
Hội An cũng như các thành phố di sản mà tôi biết, tuy quy mô và hình thái có khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ gắn liền với cuộc sống người dân địa phương bao đời nay. Những dãy nhà cổ kính tạo nên hồn phố cổ cũng là nhà ở của người dân. Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, những ngôi chợ địa phương lâu đời, chùa chiền trường học… cũng nằm trong lòng phố cổ.
Đến đây du khách không chỉ tham quan chiêm ngưỡng các công trình cổ mà được sống trong đó, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm văn hoá địa phương cùng nếp sống của con người nơi phố cổ.
Đó chính là lúc họ tiêu tiền trong tâm thế vui vẻ khi được lựa chọn theo nhu cầu của mình. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý phát triển du lịch và kinh tế chính là làm sao để du khách đến càng nhiều càng tốt, đến là yêu mến và ở lại thật lâu, chi tiêu thật nhiều trong sự tự nguyện, quay lại nhiều lần.
Một góc thành phố San Miguel de Allende, di sản văn hoá thế giới tại Mexico, không thu của khách đồng nào gọi là "phí vào cổng". Ảnh: TÚ NGUYỄN |
Một nước nghèo nhưng giàu có di sản văn hoá thế giới như Cuba với phố cổ La Habana cũng không có cái gọi là phí tham quan. Ảnh: TÚ NGUYỄN |
Tiền vé vào cổng chỉ là một khoản nhỏ nhoi trong kinh phí duy trì bảo tồn di tích nhưng không khéo lại trở thành vật cản trong tâm lý du khách hoặc họ chỉ đến một lần rồi thôi. Không hẳn là số tiền bao nhiêu, mà là cảm giác không thoải mái khi bị tận thu, chi trả hai lần, trả cho dịch vụ mình không sử dụng.
Vé vào cổng sẽ hợp lý, đúng đắn và cần thiết cho những ai có nhu cầu tham quan những công trình di tích đặc biệt như cách làm ở Luang Phrapang, hoặc với các di tích được khoanh vùng bảo tồn nghiêm cẩn biệt lập khu dân cư và du khách đến tham quan rồi về như quần thể đền Angkor ở Campuchia hay Bagan ở Myanmar, kim tự tháp ở thành phố Oaxaca- Mexico…Tuy nhiên, những nơi này không thu phí người dân nước mình mà chỉ lấy từ du khách nước ngoài, không như Hội An.
Bất cứ du khách nào, khi đã bước chân đi du lịch thì đều sẽ tiêu tiền, ít nhất là chi phí ăn ở, đi lại…. Đó chính là sự đóng góp cho kinh tế của địa phương, mang lại nguồn lợi cho người dân khu vực.
Việc địa phương đặt ra khoản thu mới, tăng lệ phí nhằm “hạn chế tràn lan, chọn lọc khách, bảo vệ di sản, môi trường và văn hoá ” cần hết sức cân nhắc, biết mình biết ta.
Phương án mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé cần cân nhắc kỹ. Ảnh: T.MẬN |
Chỉ những nơi vô cùng độc đáo không ai có thể cạnh tranh thì may ra làm được và có lý do để làm như đất nước hạnh phúc nhất thế giới Bhutan. Còn nếu không, việc thu phí tham quan trong khi không có quá nhiều ưu thế coi chừng phản tác dụng, gậy ông đập lưng ông.
UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa ban hành phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An. Cụ thể, đối với hoạt động hướng dẫn tham quan, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào. Giá vé cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé.
Theo lãnh đạo Hội An, TP mới chỉ đưa ra phương án và tất cả chỉ nằm trong dự thảo. Để triển khai các cơ quan, ban ngành của TP còn phải họp với đơn vị lữ hành, đặc biệt là tham vấn ý kiến của chính các cư dân sinh sống trong khu phố cổ.