Hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa để bảo vệ quyền con người

(PLO)- Người bị kết án có quyền được lãng quên đối với quá khứ; khi hòa nhập xã hội, họ phải được tôn trọng và bình đẳng với mọi người.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những quyền nhân thân quan trọng của mỗi công dân được ghi nhận tại Điều 32 BLDS năm 2015 chính là quyền đối với hình ảnh của mình.

Quyền về hình ảnh được pháp luật bảo vệ

Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Đối với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, đây có thể xem là chủ thể đặc biệt vì đối tượng này đang bị điều tra, truy tố và xét xử về hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, một người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa đã có hiệu lực pháp luật.

Mặt khác, theo quy định tại các điều 32, 41, 42, 43, 44 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền dân sự như cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định...

ghi âm ghi hình bị cáo
Báo chí tác nghiệp tại phiên tòa ly hôn vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện nay cũng không văn bản nào quy định rõ ràng người đang là bị can, bị cáo, người bị kết tội bị tước bỏ quyền về hình ảnh. Do vậy mà quyền về hình ảnh đối với nhóm chủ thể này vẫn được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, thông tin dữ liệu, bí mật đời tư của cá nhân ngày càng quan trọng và được nhiều người quan tâm. Trong đó, hình ảnh cá nhân là một dạng thông tin cá nhân được bảo vệ theo Nghị định 13/2023 (quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân).

Phải được sự đồng ý khi ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng

Dự thảo lần thứ năm Luật Tổ chức TAND vừa được thảo luận tại Quốc hội. Dự thảo sẽ được TAND tiếp thu, chỉnh lý để tiếp tục đưa ra lấy ý kiến góp vào kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Khoản 4 Điều 141 dự thảo quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Người bị kết án có quyền được lãng quên

Chính vì vậy, người bị kết án có quyền được lãng quên đối với thông tin về hình ảnh của mình. Cụ thể, sau khi người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt (trách nhiệm của cá nhân đối với Nhà nước) thì họ cũng được quyền yêu cầu báo chí, các trang mạng xã hội gỡ bỏ thông tin về mình.

Điều này không chỉ vì lợi ích của chính bản thân họ mà còn là lợi ích của những người liên quan (cha mẹ, vợ con). Một người phạm tội và đã thực hiện xong nghĩa vụ, được xóa án tích thì họ phải được sống với chính mình, hòa nhập với cộng đồng. Trong lý lịch tư pháp vẫn ghi về hành vi của họ nhưng trong đời sống họ phải được tôn trọng và bình đẳng với mọi người theo quy định của pháp luật.

Về lý thuyết, con người có thể cải tạo, giáo dục và được Nhà nước, xã hội tôn trọng khi họ chấp hành pháp luật sau khi đã được xóa án tích. Cuộc đời con người rất dài nên việc lãng quên (dung thứ của xã hội) sẽ tạo điều kiện để họ hòa nhập với cộng đồng, trở thành người lương thiện sau khi đã trả giá bằng hình phạt và thực hiện việc bồi thường (nếu có). Bản chất của hình phạt là răn đe, phòng ngừa chứ không phải là dìm một cá nhân nào suốt đời.

ThS MAI HOÀNG PHƯỚC, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM):

Kích hoạt hệ thống ghi âm, ghi hình của phòng xử án

HOANG-MAI-PHUOC.jpg

Quá trình tham gia tố tụng, đặc biệt là tại phiên tòa, để bảo vệ sự tôn nghiêm của tòa án và quyền của cá nhân đối với hình ảnh, lời nói, pháp luật đã có những quy định cụ thể tại các bộ luật tố tụng.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 234 BLTTDS năm 2015 và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

BLTTHS năm 2015 tuy không quy định cụ thể nhưng tại khoản 2 Điều 256 cũng có quy định mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Tại điểm c khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng năm 2022 quy định mức phạt tiền đối với hành vi tự ý ghi âm, ghi hình trong phiên tòa dân sự và phiên tòa hành chính; hoặc không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa hình sự.

Thực tế có thể phát sinh trường hợp bản án phát hành có nội dung khác với nội dung bản án đã được tuyên tại phiên tòa; hoặc biên bản phiên tòa không ghi nhận đầy đủ các tình tiết, sự kiện diễn ra tại phiên tòa. Trong trường hợp này, nếu chủ tọa không có phép đương sự ghi lời nói, hình ảnh tại phiên tòa thì sẽ rất khó khăn để chứng minh sự thật khách quan.

Do đó để bảo vệ công lý mà vẫn đảm bảo quyền riêng tư của người tham gia tố tụng, tôi đề xuất bổ sung quyền của đương sự trong việc đề nghị tòa án ghi lời nói, hình ảnh phiên tòa bằng hệ thống ghi âm, ghi hình của phòng xử án. Những dữ liệu này sau đó được lưu trữ đồng thời theo hồ sơ vụ án như một “biên bản phiên tòa điện tử” và làm cơ sở để xem xét giải quyết những khiếu nại của đương sự (nếu có) liên quan đến hoạt động tố tụng tại phiên tòa.

Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Quy định thêm phương thức đưa tin đối với hình ảnh

ls-Lam-Quang-Quy.jpg

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được họ đồng ý; hoặc chỉ được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Do đó, Điều 141 của dự thảo phù hợp với yêu cầu tuân thủ và bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân được quy định trong BLDS.

Tuy nhiên, dù có quy định về sự “đồng ý cho ghi âm, ghi hình” thì quy định này cũng chỉ thể hiện ở mặt hình thức. Bởi hiếm có bị cáo hay đương sự nào muốn phơi bày hình ảnh của mình trong khi đang bị xét xử.

Thực tế, trong nhiều phiên tòa hình sự, khi báo chí tác nghiệp, phần đông bị cáo đều cúi đầu, che mặt hoặc yêu cầu luật sư đề nghị chủ tọa phiên tòa can thiệp để hình ảnh của họ không bị đăng báo. Khi đó, thường thì chủ tọa phiên tòa linh động, nhắc nhở báo chí chỉ ghi hình ở góc độ xa; không ghi hình chính diện khuôn mặt các bị cáo.

Nhìn chung, quy định tại Điều 141 của dự thảo là một sự tiến bộ mang tính đột phá trong việc bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân, kể cả đối với bị cáo mà bấy lâu nay họ có rất ít cơ hội để phản đối. Đặc biệt, quy định mới này của dự thảo cũng tránh được những ảnh hưởng đáng tiếc đến người thân của các bị cáo, đương sự…

Hầu hết trường hợp ghi âm, ghi hình phiên tòa là hoạt động tác nghiệp báo chí nhằm tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, trường hợp không kèm hình ảnh bị cáo, đương sự… thì mục đích tuyên truyền bằng các bài báo vẫn đạt được, dù kém phần sinh động.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được thực hiện có hiệu quả với nhiều vụ án lớn được điều tra, truy tố và sắp xét xử. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông về phiên tòa có ý nghĩa quan trọng.

Để hài hòa giữa quy định mới, đồng thời đáp ứng mục đích và hiệu quả công tác tuyên truyền, nên chăng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các phương thức đưa tin đối với hình ảnh của người tham gia tố tụng.

Chẳng hạn chỉ được đưa những hình ảnh ở góc chụp xa, ghi hình từ phía sau lưng… để không làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân, gia đình và người liên quan.

Hoặc trong phiên tòa, nếu không có sự đồng ý cho ghi âm, ghi hình của bị cáo, đương sự hay chủ tọa thì báo chí có thể minh họa bằng hình vẽ, như cách đưa tin về các phiên tòa ở Mỹ và các quốc gia khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm