Lũ lụt gây chết và mất tích hàng chục người, diễn biến thời tiết các tỉnh Bắc Trung bộ và Bắc bộ rất xấu, chiều 11-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các địa phương, bộ, ngành liên quan để bàn cách đối phó.
Mưa diện rộng lớn nhất trong 10 năm qua
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thông tin: Đang có một cơn áp thấp nhiệt đới và sẽ vào biển Đông tối 14-10.
Cùng với đó, đợt không khí lạnh từ phía Bắc đang tràn về phía Nam, tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng. “Khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung đang hứng chịu mưa lớn, lũ quét. Vì vậy áp thấp nhiệt đới cộng không khí lạnh gây mưa tiếp tục gây nguy cơ mất an toàn tại các địa phương” - ông nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang hứng đợt mưa lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. “Đây là đợt mưa lớn bất thường trong nhiều năm qua vì hiếm khi mưa trên diện rộng, kéo dài và lớn vào tháng 10. Điều lo ngại nhất trong đợt mưa lũ này là gần 3.000 hồ đập thủy lợi mức nước đã ở ngưỡng cao nhất” - ông nói.
Ông đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, đồng thời các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về các phương án đối phó với mưa lũ lần này. Đảm bảo an toàn các hồ đập, di dời dân đến nơi an toàn không được chậm trễ, chủ động và phối hợp để đảm bảo an toàn hồ đập và người dân vùng hạ du.
Gút cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải khẩn trương di dời dân, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân vùng lũ, đảm bảo an toàn mạng lưới điện, hồ đập…
Cầu Thia, nơi PV TTXVN Đinh Hữu Dư tác nghiệp bị lũ cuốn mất tích. Ảnh: CTV
Hòa Bình, Yên Bái… tan hoang trong lũ
Hòa Bình đang hứng đợt mưa rất to kèm giông gây ngập lụt hầu hết địa phương.
Nhiều tuyến đường bị ngập, đất đá sạt lở, hàng trăm hecta hoa màu, nhà cửa, tài sản của người dân đang chìm trong nước. Các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn và TP Hòa Bình bị ngập sâu, nhiều xã bị cô lập do lũ.
Lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban cùng các ban, ngành liên quan đã phải xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo chống lũ. “Khoảng 20 người chết và mất tích do bị lũ cuốn. Chúng tôi vẫn đang huy động anh em tích cực tìm kiếm…” - một lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình thông tin.
Do lượng nước đổ về vượt mức nước dâng bình thường và tiếp tục gia tăng, hồ Hòa Bình đã phải mở bảy cửa xả đáy. Sáng 11-10, chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai trên địa bàn...
Ở Yên Bái, khoảng 13 giờ ngày 11-10, cây cầu Thia nối giữa phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ và xã Phù Nham, huyện Văn Chấn đã bị lũ cuốn trôi.
Lúc lũ cuốn trôi cầu có bốn người bị trôi theo, trong đó có một PV thường trú của TTXVN đang tác nghiệp.
Ở huyện Văn Chấn, lũ từ thượng nguồn ùn ùn đổ về làm sập tám nhà, trong đó một gia đình bốn người mất tích. Hiện lực lượng chức năng đang tìm kiếm và chưa xác định được những người này đang ở đâu.
Ở Bắc Trung bộ, lũ trên các sông ở Thanh Hóa đang lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La tiếp tục lên. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh, ngập úng ở các khu đô thị, các TP lớn từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế.
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết tính đến chiều 11-10, lũ đã làm 20 người chết (Thanh Hóa 3 người, Nghệ An 8 người, Sơn La 5 người, Hòa Bình 4 người). 12 người mất tích (Yên Bái 4 người, Hòa Bình 1 người, Thanh Hóa 3 người, Sơn La 3 người, Quảng Trị 1 người). Hiện những nạn nhân mất tích vẫn chưa được tìm thấy. • Lúc 20 giờ 30, Yên Bái cập nhật số người bị nạn. Theo đó, số người chết do lũ trên địa bàn là 4 người, 11 người mất tích. Anh Đinh Hữu Dư, PV TTXVN thường trú tại Yên Bái, đã mất tích khi đang tác nghiệp tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái lúc cơn lũ dữ tràn qua. Lãnh đạo TTXVN đã cử cán bộ đến nơi anh Dư mất tích để phối hợp tìm kiếm. |