Khi máy bay vừa hạ cánh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã sử dụng xe tải trực tiếp ra cửa máy bay để chuyển hàng lên và đưa về nơi bà con vùng lũ đang cần. Nguồn hàng này là của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ, có tổng giá trị gần 1,5 tỉ đồng. Hàng cứu trợ gồm 400 thùng hàng gia đình, 300 hộp gói bột lọc nước, 300 túi lương thực phực phẩm, tổng giá trị trên 900 triệu đồng và 500 triệu đồng tiền mặt.
Hàng cứu trợ này sẽ nhanh chóng được chia sẻ cho người dân trong vùng ngập lụt ở Quảng Bình, chủ yếu là hai vùng “rốn lũ” tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Hàng hóa, thực phẩm sẽ đến “rốn lũ”
Sau bốn ngày (từ 16 đến 20-10) bị cô lập trong cơn đại hồng thủy, trong hai ngày qua, các chuyến cứu trợ đã tiếp cận, cứu trợ nhu yếu phẩm cho bà con vùng “rốn lũ” xã Hàm Ninh, Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Cộng tác viên Pháp Luật TP.HCM tại vùng “rốn lũ” ghi nhận: Người dân tại đây cho biết chưa bao giờ chứng kiến cơn đại hồng thủy lớn đến như vậy. Hai xã bị ngập trắng, mực nước cao hơn 3 m. Người dân sơ tán đến nhà cao tầng để tránh lũ, trong khi nhiều người trèo lên mái nhà nhiều ngày nay. Hiện mực nước đã rút bớt khoảng 40 cm nhưng vẫn còn ngập sâu.
Do lũ lên cuồn cuộn trong đêm, nhiều hộ dân không kịp chuẩn bị lương thực để dự phòng nên xảy ra tình trạng thiếu hụt. Trong đêm, nhiều tài khoản mạng xã hội liên tiếp đăng tin cầu cứu của người thân, người già bị mắc kẹt trong nhà.
Trong ngày 20-10, ngoài lực lượng cứu hộ, chính quyền địa phương thì lực lượng con em người địa phương và vùng lân cận đã tổ chức các chuyến đò tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con vùng “rốn lũ”. Do bà con chưa thể tổ chức nấu nướng bình thường nên các đoàn cứu trợ đã chuẩn bị sẵn các phần ăn nấu sẵn để tiện qua bữa.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quảng Ninh, thông tin: Hiện hàng hóa, nhu yếu phẩm, gạo, mì tôm, cơm từ nhiều nguồn đổ về các xã vùng “rốn lũ” để cứu trợ. Theo ông Thụ, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng ứng trực 24/24 giờ để bố trí phương tiện, nhất là thuyền đưa hàng hóa, thực phẩm đến với người dân.
Hiện lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm khá lớn, tuy nhiên phương tiện để vận chuyển lại khá mỏng, dù đã huy động nhiều thuyền đánh cá gần bờ từ xã vùng bãi ngang Hải Ninh để ứng cứu, sơ tán người dân vùng xung yếu, vùng “rốn lũ”.
Bà con vùng “rốn lũ” xã Hàm Ninh và Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nhận cứu trợ nhu yếu phẩm. Ảnh: CTV
Máy bay chở hàng thiết yếu từ Hà Nội hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Ảnh: BÙI TOÀN
Dự trữ hàng hóa thiết yếu
Ngày 20-10, Bộ Công Thương cho biết trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở một số tỉnh miền Trung, bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai dự trữ hàng hóa thiết yếu như kế hoạch đã xây dựng từ trước mùa mưa bão.
Công tác dự trữ hàng hóa tại một số tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ đã được xây dựng kỹ lưỡng về phương án, mặt hàng, địa điểm, đối tượng… để triển khai khi xảy ra thiên tai.
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, có sáu doanh nghiệp, siêu thị lớn tham gia kế hoạch dự trữ với số lượng gần 64.000 thùng mì ăn liền, 12.600 thùng lương khô, gần 1.200 tấn gạo, 17.500 thùng nước uống đóng chai, xăng, dây thép, tôn lợp, dầu hỏa, đinh vít... với trị giá khoảng 6,7 tỉ đồng. Tại Quảng Trị có hai doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ với các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, nước uống đóng chai, đường, muối, nước mắm, đồ hộp, dầu ăn... với trị giá gần 14 tỉ đồng.
Tại Thừa Thiên-Huế cũng có 10 doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa như 50.000 thùng mì ăn liền, 100 tấn gạo, 35.000 thùng nước uống đóng chai, 2,5 tấn đinh vít, 60.000 tấm tôn lợp, xăng, dây thép... Tại Quảng Nam, các doanh nghiệp tham gia kế hoạch dự trữ với hơn 45.000 thùng mì ăn liền, hơn 2.000 thùng lương khô, hơn 2.200 tấn gạo, hơn 107.000 tấm tôn lợp, xăng, dây thép, dầu hỏa...
Bộ Công Thương cho biết vẫn đang tiếp tục yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, các đơn vị liên quan đánh giá tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu; dự báo nhu cầu tại các khu vực sẽ tiếp tục chịu tác động của lũ lụt và biện pháp ứng phó khi lưu thông hàng hóa bị gián đoạn; diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
“Trong trường hợp mưa lũ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng diện rộng nằm ngoài khả năng kiểm soát, Sở Công Thương các tỉnh cần báo cáo gấp cho bộ để có phương án điều hành ngay từ các tỉnh, doanh nghiệp phân phối lớn ở khu vực lân cận để kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân” - Bộ Công Thương cho biết.
Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn quyên góp, cứu trợ Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Theo đó, đối với các địa phương không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, tùy vào tình hình thực tế Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban cứu trợ các tỉnh, thành phố báo cáo với cấp ủy, phối hợp với chính quyền để tổ chức vận động quyên góp cho phù hợp. Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Ban cứu trợ trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại. Trường hợp không thể tổ chức vận động quyên góp thì Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban cứu trợ cấp tỉnh trích số tiền cứu trợ còn dư từ đợt trước (nếu có) chuyển về Ban cứu trợ trung ương để cân đối phân bổ hỗ trợ các tỉnh. Đối với các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lũ lụt, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban cứu trợ cấp tỉnh phối hợp với chính quyền và các ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại về người, tài sản để thực hiện công tác cứu trợ. Các địa phương tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ của trung ương để phân bổ kịp thời cho các địa phương và đơn vị, cá nhân... Trước mắt, tập trung hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bố trí các gia đình có nhà bị sập đổ, trôi có chỗ ở ổn định cuộc sống... MTTQ vận động nhân dân trong từng cộng đồng dân cư, địa phương cơ sở chủ động giúp đỡ lẫn nhau. Thường xuyên công khai kết quả tiếp nhận, phân bổ tiền, hàng cứu trợ; danh sách cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền, hàng hỗ trợ để nhân dân biết, giám sát; bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ. Ngoài ra các địa phương cần ngăn ngừa tình trạng lợi dụng việc vận động quyên góp của các tổ chức, cá nhân, nhóm người để trục lợi... |