Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có năm đời làm thầy thuốc Bắc và dạy chữ Nho ở Hà Tĩnh, Nghệ nhân nhân dân Hồng Oanh từ nhỏ đã quen thuộc với thú chơi bói Kiều đầu xuân.
Nghệ nhân nhân dân Hồng Oanh cháy hết mình với làn điệu dân ca ví, giặm. Ảnh: NVCC |
Ví, giặm ăn vào máu thịt
“Tôi mê hát từ khi sáu tuổi. Hồi đó tôi nhớ mình mặc quần đùi, lẽo đẽo ra đồng để nghe những cô chú, anh chị vừa làm đồng vừa ca những câu ví, giặm. Tôi bị cha kêu về, vừa đánh vừa hỏi: “Ra đồng làm gì?”. Tôi đáp ra đồng nghe cha hát, nghe chú hát. Cha mới bảo tôi: “Người ta đi cày thì con lẽo đẽo đi theo sau xem thử có điên không?”. Dù bị la mắng nhưng tôi vẫn vừa khóc vừa đáp: “Con thích!”” - nghệ nhân Hồng Oanh nhớ lại.
Đến khi 10 tuổi, nghệ nhân Hồng Oanh đã biết bập bẹ những câu hát mà mình nghe từ thuở nhỏ.
Đến khi 15-17 tuổi, bà bắt đầu ra đồng phụ cha mẹ việc đồng áng, thỏa sức vừa hò vừa hát. Bà còn đặt thơ cho những cô cậu thanh niên ngày đó hát với sự hồn nhiên, tươi trẻ của mình: “Anh về mắc võng ru con/ Tuổi xuân chi nữa răng còn đi cưa?”.
Với sự góp ý của những người thầy đáng kính, bà đã đề xuất hát thơ để tạo nên sự mới lạ, tránh sự nhàm chán cho khán giả.
Nghĩ ra hát thơ Kiều mới lạ
Càng trưởng thành, nghệ nhân Hồng Oanh dành thời gian nghiên cứu nhiều hơn về những làn điệu gần gũi, quen thuộc này.
Đến năm 1989, bà vào TP.HCM và thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hạnh phúc gia đình, rồi đến CLB Thơ ca của xã An Khánh, quận 2 (nay là TP Thủ Đức) vào năm 1990.
Và trên hành trình gắn bó với bộ môn nghệ thuật dân gian này, nghệ nhân Hồng Oanh luôn cảm thấy hạnh phúc bởi luôn có những người động viên bà.
“Tôi nhớ GS Trần Văn Khuê từng căn dặn tôi: “Con ơi! Bảo tồn văn hóa này bây giờ hiếm lắm, các con cố gắng lên nha”. Tôi lại nhớ đến cha tôi ngày xưa cũng hay nói: “Văn hóa, văn nghệ hay lắm con. Nó xóa đi những thù hận, đắng cay và đem niềm vui đến cho cuộc đời”” - nghệ nhân Hồng Oanh bày tỏ.
Ghi nhớ những điều đó, nghệ nhân Hồng Oanh vừa nghiên cứu vừa sáng tác viết lời mới.
Sau năm 2004, khi về CLB Nguyễn Du tại Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, bà có dịp cộng tác với TS Nguyễn Nhã, GS Ngô Gia Huy và GS Trần Văn Khê cùng các nhà nghiên cứu khác.
Với sự góp ý của những người thầy đáng kính, bà đã đề xuất hát thơ để tạo nên sự mới lạ, tránh sự nhàm chán cho khán giả.
“Thế là tôi bắt đầu hát thơ Kiều. Tôi lựa ra những khúc Kiều nào cho chầu văn Bắc, đàn tính, ví, giặm, ca Huế... Đến bài chòi và cải lương thì tôi làm đĩa hát thơ Kiều. Một mình tôi vừa ngâm thơ, hát ru, hò và vè được 12 đĩa CD bao gồm toàn bộ câu Kiều” - nghệ nhân Hồng Oanh tâm sự.
Bên cạnh vấn đề về kinh phí, nghệ nhân Hồng Oanh cũng đau đáu về sự mai một của bộ môn nghệ thuật mình đang theo đuổi khi hàng loạt nghệ nhân lớn tuổi có tiếng nói dần qua đời.
Bà tâm sự: “Vàng chưa khai thác thì còn để đó; còn với nghệ nhân dân gian, nếu không lo khai thác, họ ra đi là mất hết. Tôi mong muốn làm sao để thống kê và thẩm định danh sách những người còn sống hát hay và mang bản sắc của mỗi địa phương, từ đó tạo lập nên những CLB nghệ nhân riêng để giúp họ trao đổi, học hỏi lẫn nhau, từ đó góp phần phát triển bộ môn nghệ thuật này”.
Những khó khăn, nỗi niềm đau đáu
Bên cạnh những “quả ngọt” gặt hái được với nghệ thuật, nghệ nhân Hồng Oanh rất trăn trở về kinh phí để theo đuổi đam mê và sự chung tay của cộng đồng.
Theo nghệ nhân Hồng Oanh, CLB không có điểm sinh hoạt cố định, mỗi lần tập trung, các thành viên ở khắp nơi phải di chuyển khá vất vả. “Chẳng hạn, nếu sinh hoạt ở Trung tâm văn hóa quận Tân Phú, tôi phải đi taxi từ quận 9 sang mất 26 cây số, cả đi cả về hơn 600.000 đồng” - nghệ nhân Hồng Oanh kể.
Bên cạnh đó, để giúp các thành viên có tư liệu tập luyện, nghệ nhân Hồng Oanh còn bỏ tiền túi ra để in tuyển tập thơ Đường về xứ Nghệ gần 2.000 trang, nặng 3,3 kg.
Nghệ nhân Hồng Oanh cũng trăn trở văn hóa dân gian đang bị “coi rẻ”, các CLB hầu như không được cấp kinh phí để hoạt động. “Nghệ nhân đi diễn phải tự thuê trang phục, kinh phí được 500.000 đồng thì đã tiêu hết 300.000 đồng, chưa kể tiền xe, rồi có nơi chỉ trả 20.000-30.000 đồng cho mỗi nghệ nhân. Làm riết rồi người ta đâm chán vì càng đi càng nghèo” - bà bộc bạch.
Bà hy vọng dù muộn vẫn còn hơn không, bên cạnh phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ quan tâm hơn và có những chính sách để khuyến khích các loại hình văn hóa dân tộc phát triển.•
Tâm nguyện trả ơn với quê hương
Rời quê hương, đến TP.HCM nhiều năm và ghi dấu ấn khi biểu diễn nhiều làn điệu dân ca khác như ca trù, hát chầu nhưng sâu trong tâm can, ví, giặm và quê nhà luôn có chỗ đứng đặc biệt. Bà thường xuyên về quê để kết nối hoạt động nghệ thuật cùng với những người con đất Hà Tĩnh mỗi khi có dịp lễ hay hoạt động văn hóa.
Bà chia sẻ lời ngâm mới sáng tác như lời tạ ơn với quê hương - nơi chắp cánh cho bà bay cao, bay xa với ví, giặm: “Mẹ ơi, con lớn lên càng đi càng thấu hiểu/ Mẹ nuôi con giọt sữa lấm đất bùn/ Mẹ vẫn vịn câu Kiều với tâm hồn con trẻ/ Cha thẳng đường cày câu Kiều thêm sức mạnh/ Với những cuộc hành quân có câu Kiều bên cạnh/ Để anh hùng mạnh mẽ thêm ý chí tiến công”.