Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19 ngoài việc thực hiện phòng ngừa dịch như luôn mang khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, thường xuyên rửa tay,... nhiều người đưa ra những chiêu ứng phó độc, lạ trong mùa dịch.
Bấm thang máy kiểu mới cho an toàn
Hiện nay, nhiều khu chung cư đang dần thay đổi thói quen sinh hoạt bởi chung cư là nơi có nhiều không gian sử dụng chung. Trong đó, trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay và đo thân nhiệt là những hình thức phổ biến nhất được áp dụng để phòng dịch.
Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa thông thường, nhiều chung cư còn có những sáng kiến độc, lạ để ngăn ngừa dịch bệnh. Điển hình là tại một số chung cư ở Hà Nội, trong thang máy ban quản lý tòa nhà có chuẩn bị sẵn tăm tre để cư dân sử dụng bấm nút. Bởi bề mặt nút bấm thang máy là một trong những vị trí nguy hiểm, nơi dịch bệnh có thể lây lan do người dân tiếp xúc rất nhiều.
Ngoài ra, nhiều người dân còn dùng chìa khóa, thẻ ra vào, giấy hay bút bi để bấm nút khi đi thang máy.
Tại một chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội còn dùng tấm nylon để bịt các nút bấm, ban quản lý cũng chuẩn bị thêm khăn giấy để người dân sử dụng.
Các biện pháp trên đã được rất nhiều cư dân tại các chung cư hưởng ứng nhiệt tình.
Một chung cư ở quận Đống Đa, Hà Nội đã sáng tạo giải pháp cung cấp tăm để người dân bấm thang máy, sau đó vứt đi. Ảnh: Facebook
Bài thuốc khử trùng mùa dịch
Mới đây, tại một trường mầm non ở quận Bình Tân, TP.HCM còn áp dụng “bài thuốc dân gian” để vệ sinh, khử khuẩn trong từng lớp học.
Với nguyên liệu xông gồm có sả, gừng, bồ kết mà dân gian hay dùng để khử khuẩn cho không khí trong sạch. Chỉ cần một nồi nấu, một ít nước, vài cây sả cộng với bồ kết và gừng là có thể thực hiện được.
Ngoài ra, nhiều cô giáo ở trường mầm non còn tự tay ngâm rượu gừng để dành rửa tay sát khuẩn thay vì mua những loại nước rửa tay. Theo các cô giáo, trong rượu có cồn kèm theo gừng kết hợp gần giống như dung dịch sát khuẩn, giữ ấm cho cơ thể.
Với bài thuốc trên, theo một bác sĩ cho biết về việc dùng gừng ngâm rượu để rửa tay vẫn có tính sát khuẩn khi sử dụng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần phải xem lại nồng độ cồn trong rượu ra sao. Để diệt khuẩn hiệu quả, nồng độ cồn trong rượu phải từ 70 độ trở lên. Nếu pha thêm dược liệu khác phải xem có bị loãng nồng độ cồn hay không. Còn gừng chỉ có tác dụng tạo mùi thơm dễ chịu khi rửa tay chứ hoàn toàn không có tác dụng diệt khuẩn.
Bác sĩ chỉ cách làm khẩu trang bằng khăn giấy
Trước tình trạng khẩu trang khang hiếm trong mùa dịch, một clip của TS-BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàn TP.HCM, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hướng dẫn làm khẩu trang bằng khăn giấy và dây thun.
Theo cách hướng dẫn của bác sĩ trong đoạn clip, để có một chiếc khẩu trang bốn lớp, đầu tiên cần chuẩn bị hai miếng khăn giấy loại tốt, bốn sợi thun và chiếc kim bấm giấy.
Trước tiên mở hai miếng khăn giấy vuông thành chiều dài hình chữ nhật rồi chồng lên nhau tạo thành các lớp. Sau đó gấp đôi khăn giấy theo chiều dài. Gấp một bên miếng khăn được gấp đôi ngược lại khoảng một lóng tay theo kiểu xếp quạt ở mỗi bên. Tiếp tục lại gấp đôi phần chiều dài chiếc khăn giấy thành hình vòng cung.
Bên ngoài, bốn sợi thun sẽ thắt lại thành hai sợi dài mục đích để cài vào tai. Hai sợi thun được bấm cố định vào mỗi đầu của chiếc khăn giấy. Cuối cùng bung chiếc khăn giấy thành hình tròn lõm là đã có thể đeo lên mặt.
Theo BS Hùng Vân, chiếc khẩu trang chỉ là phương tiện bảo vệ con người với virus Corona một cách tương đối. Khẩu trang này chỉ ngăn chặn được giọt bắn từ người này sang người nọ. Do đó khẩu trang chỉ là một giải pháp. Người sử dụng phải thực hiện cho đúng thao tác tháo mở đúng cách và chỉ dùng một lần.
Dự tiệc cưới, khách được nhà hàng gói thức ăn mang về Nhà hàng tiệc cưới Choi Fook tại Hong Kong cho biết thay vì đãi khách tại các bàn tiệc trong nhà hàng, ngày càng nhiều cặp cô dâu, chú rể yêu cầu dịch vụ gói thức ăn để khách mang về nhà tự thưởng thức. Nhiều người cho rằng đây sẽ là hình thức kinh doanh mới cho các nhà hàng, khách sạn phục vụ tiệc cưới trong mùa dịch COVID-19. Với cách làm này nhà hàng không lỗ mà khách cũng an toàn. |