Những chiêu giấu ngà voi ‘bịt mắt’ máy soi

Trong vòng 20 ngày trở lại đây, hải quan liên tục bắt giữ 3,5 tấn ngà voi nhập lậu từ các nước châu Phi.

Trước khi vào Việt Nam, các lô hàng chạy lòng vòng qua nhiều hải cảng của các nước trong khu vực để xóa dấu tích. Khi đã vào Việt Nam những lô hàng lậu lại tiếp tục chạy lòng vòng giữa các cảng trong nước để thăm dò.

Zích zắc qua các cảng

Ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: Doanh nghiệp (DN) thường lợi dụng việc được phân luồng vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ rồi cho thông quan) để nhập lậu ngà voi.

“Như vụ phát hiện hai container hàng quá cảnh giấu một tấn ngà voi từ châu Phi, DN mở tờ khai nhập gỗ từ Mozambique để được phân luồng vàng. Các DN nhập lậu ngà voi thường là DN mới thành lập hoặc đã có quá trình chấp hành tốt thủ tục xuất nhập khẩu” - ông Lợi cho hay.

Một lãnh đạo cơ quan hải quan tiết lộ các lô ngà voi từ châu Phi thường qua rất nhiều hải cảng ở các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore… rồi mới vào Việt Nam. “Khi đã về Việt Nam, các lô hàng này lại tiếp tục lòng vòng từ cảng Sài Gòn, ra cảng Hải Phòng, rồi đưa qua tàu khác chuyển vô cảng Cửa Lò (Nghệ An), Tiên Sa (Đà Nẵng)… Những người buôn lậu đưa hàng lòng vòng qua nhiều cảng nội địa để xóa dấu vết và thăm dò cơ quan chức năng có bị theo dõi không rồi mới quyết định bốc hàng” - vị này nói.

Lô ngà voi khủng trị giá hàng trăm tỉ đồng giấu trong các khúc gỗ bị hải quan phát hiện. Ảnh: N.TÂN

“Bịt mắt” máy soi

Ông Vũ Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, cho hay: Những kẻ buôn lậu ngà voi có nhiều “chiêu trò” đối phó với máy soi rất tinh vi. “Cả ba lần phát hiện, bắt giữ ngà voi gần đây tại cảng Cát Lái họ đều dùng thủ đoạn giấu ngà voi trong các khúc gỗ khoét rỗng” - ông Tiến nói.

Theo đó, trong lần đầu, ngà voi được bọc mùn cưa nhét trong thân gỗ rỗng. Lô hàng này rất khó phát hiện nếu kiểm tra bằng mắt thường. Máy soi chỉ thấy được bóng mờ của các đoạn ngà cong.

Ở lần bắt giữ ngày 21-10, ngà voi được bọc trong một loại hóa chất tạo hình ảnh đồng nhất, “bịt mắt” được máy soi. Còn lần bắt giữ mới nhất ngày 26-10, các đoạn ngà voi bọc trong các lớp thạch cao, hình ảnh rất mờ trên màn hình máy soi.

“Rất khó phát hiện vì bọn buôn lậu “bịt mắt” được máy soi. Nhìn bằng mắt thường càng không thể phát hiện vì ngà voi được ngụy trang như một khúc gỗ đặc. Hơn nữa, container 30-40 chục khúc gỗ thì chỉ có khoảng 10 khúc bị khoét rỗng giấu ngà. Nếu không có thông tin nghi vấn, biện pháp nghiệp vụ thì khó bắt giữ” - ông Tiến thừa nhận.

Tiêu thụ trong nước và quá cảnh

Theo ông Tiến, sau khi nhập vào Việt Nam, phần lớn ngà voi sẽ được vận chuyển qua nước thứ ba bằng đường bộ, chủ yếu là Trung Quốc để làm nữ trang. Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà kẻ buôn lậu còn chọn các nước lân cận như Lào, Campuchia…

“Như lô hàng ngà voi mới bị bắt giữ thể hiện là quá cảnh tại Việt Nam để xuất sang Campuchia nhưng chưa chắc Campuchia là thị trường tiêu thụ mà có thể họ sẽ tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường bộ. Cũng có thể sau khi sang Campuchia, số ngà voi lại vòng về Việt Nam rồi chuyển ra các tỉnh phía Bắc đưa qua biên giới” - ông Tiến nói.

Ông Lợi nhận định: Việt Nam cũng có thể là nơi tiêu thụ ngà voi từ châu Phi vì có DN nhập lậu thẳng vào Việt Nam chứ không quá cảnh. “Hải quan đang rà soát, soi chiếu kỹ hơn và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của các DN nhập khẩu hàng từ châu Phi” - ông Lợi nói.

Những người buôn lậu ngà voi giở đủ các chiêu trò và không ai dám chắc có bao nhiêu container ngà voi đã lọt lưới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm