Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm dài khoảng 40 mét, có 20 hộ kinh doanh, hoạt động từ 6 đến 9 giờ và 11 giờ đến 14 giờ. Người tham gia bán hàng ở phố hàng rong có hộ khẩu ở quận 1, hoàn cảnh khó khăn và làm nghề buôn bán hàng rong lâu năm được UBND phường Bến Nghé và Phòng Kinh tế quận 1 lựa chọn.
Sau 1 tuần đi vào hoạt động, phố hàng rong thí điểm theo giờ trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm vẫn luôn nhộn nhịp khách.
Vừa bán hàng cho khách, chị Quách Kim Hoa bày tỏ niềm vui khi có phố hàng rong, “Tôi thấy cũng thuận tiện cho cái việc kinh tế của gia đình mình, ổn định hơn so với hồi xưa là mình phải bán chạy. Tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho người nghèo như tôi có nơi buôn bán ổn định vậy. Bây giờ cũng mong khách hàng tới nhiều hơn để ủng hộ chúng tôi nhiều hơn nữa”.
Cùng quan điểm với chị Hoa, cô Võ Thị Thanh nói thêm: "Tôi thấy thoải mái hơn, bán mà không có phải hồi hộp, lo sợ bị rượt chạy nữa. Tôi mong muốn sắp xếp cho thời gian bán dài hơn, khách văn phòng nhiều khi người ta ăn cũng hơi trễ nên bán đến 9 giờ là hơi ngắn, cho kéo dài đến độ 10 giờ thì phù hợp hơn”.
Cô Hoàng Thúy Mai chia sẻ đã đến đây lần này là lần thứ ba rồi, một phần đồ ăn ở đây ngon, giá lại rẻ, phần nữa cô cũng đến để ủng hộ. Cô cho hay mô hình này khá tốt. Tuy nhiên, khu phố giờ hơi lèo tèo quá, nếu xôm tụ hơn thì sẽ hút khách hơn.
Cô Mai cũng mong muốn TP nên nhân rộng mô hình này, nhưng nên cần có thêm nhiều gian hàng, nhiều mặt hàng thực phẩm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Anh Nguyễn Trọng Hưng (khách du lịch đến từ Hà Nội) cho biết, phố hàng rong là nơi tập trung nhiều món ăn đa dạng, lại sạch sẽ vệ sinh, có quy củ, nên nhân rộng ra ở nhiều nơi. Tuy vậy, không gian hơi chật chội khi mọi người ăn tại chỗ.
"Lúc đầu tôi nghĩ phố hàng rong là có thể đến ăn uống, ngồi ở đó rất là vui. Nhưng mà phát hiện ra ở đây hàng rong giống như là mua- mang đi. Nói chung chỗ ngồi như vậy cũng không được có thoải mái lắm. Nói về chất lượng ăn uống thì tôi thấy ăn ngon và những người bán ở đây rất vui vẻ nhiệt tình, đồ ăn có vẻ sạch sẽ", Phạm Quang Viên chia sẻ.
Nhóm của cô Nguyễn Thị Thu Hà (quận 3) cứ mỗi ngày tập thể dục xong đều ghé lại ủng hộ gian hàng của một người bạn.
Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp nằm trong đề án "Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian" được quận 1 đề xuất với UBND TP.HCM 5 tháng trước và được chấp thuận thí điểm. UBND quận 1 không thu phí đối với hộ dân được bố trí vào phố hàng rong buôn bán. Những người kinh doanh tại đây được lực lượng chức năng tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán… Ở phố hàng rong, nguyên liệu chế biến và thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người trực tiếp chế biến, người phụ hàng phải đeo bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ. Phòng Y tế quận 1 thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện hàng the, chất bảo quản hoặc bất kỳ hóa chất độc hại nào ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì gian hàng đó sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, quá trình giám sát quá trình buôn bán sẽ được UBND phường Bến Nghé thực hiện, nếu những người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, làm nhếch nhác khu vực sẽ bị nhắc nhở. Sau khung giờ hoạt động, các hộ kinh doanh chuyển bàn ghế, ô dù vào công trình gần đó gửi để trả nguyên trạng khu phố. Trong khi đó, phố hàng rong ở Công viên Bách Tùng Diệp có chiều dài 30 m và có 15 hộ kinh doanh hoạt động từ 6-9 giờ. Điểm này dự tính khai trương trong tháng 9. |