Những ngày qua, sự việc nữ sinh lớp 10 trường chuyên tại Nghệ An tự tử tại nhà khiến nhiều người đau lòng. Có thông tin cho biết nữ sinh này bị nhóm bạn xa lánh sau một thời gian chơi thân.
Qua sự việc này đã làm các bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng bạo lực học đường.
Biết lắng nghe các em đúng lúc
Liên quan đến vấn đề trên, cô TT, giáo viên tâm lý tại một trường THCS ở TP.HCM, cho biết ở lứa tuổi này hoạt động chủ đạo của các em học sinh (HS) là hoạt động bạn bè. Đôi khi ba mẹ không quan trọng bằng bạn bè. Do đó, chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ với bạn nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ, học tập của các em.
“Thời gian qua, tôi đã hỗ trợ tâm lý cho một em bị cả lớp xa lánh. Khi mới gặp tôi, em khóc rất nhiều. Sau khi nghe em chia sẻ, tôi biết việc em bị cô lập là do em điệu, thường nói xấu bạn khác. Thực tế, đa phần HS bị tẩy chay do tính cách của em đó khiến tập thể khó chấp nhận. Tôi khuyên em hãy buông bỏ, đừng quan tâm quá nhiều vào việc người khác, thay đổi lối sống, cách ứng xử. Sau một thời gian được tham vấn, em HS này đã có thay đổi tích cực. Thời gian sau gặp tôi, em nói chưa bao giờ được nhiều người yêu thương và quan tâm đến vậy” - cô T nói.
Cũng theo cô T, hiện nay bạo lực học đường không chỉ là những cú đấm, cái tát mà còn biểu hiện qua những lời nói, cử chỉ. HS khi bị bạo lực về tinh thần nếu không được hỗ trợ, phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
“Đã từng có một HS vì mâu thuẫn với bạn thân, không thể giải quyết đã có ý định tự tử. Tuy nhiên, ngay khi gia đình phát hiện được biểu hiện bất thường của em đã liên hệ với tôi để nhờ can thiệp. Sau thời gian chia sẻ với tôi và được tham vấn, em HS này đã có suy nghĩ tích cực hơn. Cho nên điều quan trọng là nhiều khi các em chỉ cần được lắng nghe đúng lúc” - cô T cho biết.
Chị NTK, một phụ huynh, cho biết khi nghe thông tin việc một nữ sinh trường chuyên tự tử nghi bị bạo lực về tinh thần, chị giật mình khi nghĩ đến những gì con gái chị đã phải trải qua. Bản thân con chị cũng từng bị bạo lực về tinh thần.
Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp phối hợp với một trung tâm kỹ năng tổ chức chuyên đề quản lý cảm xúc cho học sinh của mình. Ảnh: NTCC |
Theo chị K, cách đây mấy năm, trường con chị học có phong trào kế hoạch nhỏ. Lớp con chị cũng tham gia, khi cô chủ nhiệm thông báo đóng tiền quyên góp thì con chị nói quên đem tiền, mai sẽ nộp. Điều đáng nói là cô giáo lại không tin, đưa con chị vào một phòng riêng kiểm tra khiến con sợ hãi.
“Con tôi bị ám ảnh việc này một thời gian. Sau này qua lớp mới, cô chủ nhiệm biết việc này nên luôn chia sẻ, động viên nên tình trạng của con tôi đã tốt lên rất nhiều, con không còn bị ám ảnh về việc cũ nữa” - chị K chia sẻ.
Giáo viên tâm lý đóng vai trò quan trọng
Là giáo viên tâm lý tại Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, thầy Lâm Quí cho biết HS luôn có nhu cầu kết nối với bạn bè. Trong quá trình sinh hoạt, ít nhiều sẽ xảy ra mâu thuẫn, ban đầu chỉ là xích mích nhỏ. Tuy nhiên, mâu thuẫn nếu không phát hiện sớm, giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến việc không chơi với nhau trong lớp, nói xấu qua mạng xã hội, cô lập bạn bè, tẩy chay lẫn nhau.
Đây là một dạng bạo lực về mặt tinh thần. Các em bị mắc kẹt trong mâu thuẫn, do không tự giải quyết được và cũng không tìm thấy người chia sẻ. Trong trường hợp này, giáo viên tâm lý đóng vai trò quan trọng.
Theo thầy Quí, bạo lực về tinh thần dễ gây hậu quả nghiêm trọng hơn do người lớn khó phát hiện. Để chữa lành vết thương về tinh thần, chủ yếu tham vấn tâm lý là chính, trong quá trình tham vấn, thầy sẽ biết được các em đang thiếu kỹ năng gì để bổ sung. Các em luôn thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, thấu cảm, đặc biệt là thiếu kỹ năng tư duy tích cực. “Trong quá trình tham vấn, tôi luôn đi từ nội tại của các em chứ không phải lên lớp giảng giải và áp đặt” - thầy Quí nói.
Cũng theo thầy Quí, khi bị bạo lực về tinh thần, trước khi tìm đến cái chết, đa số các em sẽ bật tín hiệu cho cha mẹ. Nhưng có thể vì gia đình quá thờ ơ, thiếu quan tâm do bị chi phối nhiều vấn đề khác nên không nhận biết được dấu hiệu, dẫn đến kết quả đau lòng.
“Trong công tác tư vấn tâm lý, khi các em đề cập đến ý tưởng tự sát, giáo viên tâm lý phải nắm bắt kịp thời. Bởi trước khi kết liễu cuộc sống, họ luôn day dứt, suy nghĩ và chịu đựng, cố gắng tìm lối thoát nhưng đều bị bế tắc. Do đó, trong quá trình làm việc, tôi đều quan sát ngôn ngữ cơ thể để nhận ra vấn đề của các em. Đặc biệt, qua đôi mắt, tôi có thể nhận biết các em đang trong trạng thái ra sao” - thầy Quí nói.•
Kiêm nhiệm nên hoạt động tư vấn không đạt hiệu quả cao
Hiệu trưởng một trường THCS cho biết trong tình hình hiện nay, công tác tư vấn tâm lý, đặc biệt giáo viên tâm lý rất quan trọng. Hiện các trường đều đang triển khai nhưng chưa hiệu quả. Trường có phòng tư vấn học đường nhưng bố trí giáo viên kiêm nhiệm công tác này như tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm.
“Tuy nhiên, do kiêm nhiệm nên hoạt động này không đạt hiệu quả cao. Bởi hiện nay, theo đề án vị trí việc làm, tư vấn tâm lý học đường là nhân viên nên không thu hút giáo viên được đào tạo từ các trường ĐH về dạy. Trong khi đó, nhân viên muốn chuyển sang làm tư vấn tâm lý thì không có nơi nào đào tạo” - vị này cho biết.