Thủ tướng: Cải cách hành chính dù khó mấy cũng phải làm

(PLO)- Thủ tướng nhìn nhận công tác cải cách hành chính là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng nếu không làm sẽ cản trở sự phát triển...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực thúc đẩy triển khai công tác cải cách hành chính với nhiều kết quả tích cực, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính. Công tác chỉ đạo cải cách hành chính vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt ở một số bộ, ngành. Tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật sau rà soát để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP

Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VGP

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng, đột phá, phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành trên cơ sở quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Theo Thủ tướng, đây là công việc nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì tác động đến con người và tổ chức nhưng khó mấy cũng phải làm, vì không làm sẽ cản trở sự phát triển, các khó khăn không được tháo gỡ, các thách thức khó vượt qua.

Quan điểm là phải làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, không để lãng phí thời gian, công sức vì thủ tục hành chính, tắc trách và quan liêu của người thi hành công vụ…

Từ đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai tám nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại trong năm, gồm những việc nợ đọng, nhiệm vụ còn lại được đề ra trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và được giao tại Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

Hai là, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp, pháp luật; nhanh chóng đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, thực thi có hiệu quả. Trong đó, tập trung tham mưu, triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai tám nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai tám nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính. Ảnh: VGP

Ba là, khẩn trương, tập trung triển khai 59 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải cách mạnh mẽ quy định, TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Trong đó lưu ý cần thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong tháng 12-2022, hoàn thành việc chuẩn hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu. Phấn đấu chậm nhất trong quý I-2023, hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất của bộ, tỉnh; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC.

Bốn là, phấn đấu trong tháng 10-2022, hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, tinh thần là nơi nào làm tốt, làm hiệu quả hơn thì giao việc.

Năm là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức: Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Sáu là, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bảy là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước.

Tám là, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội cao để nhân dân hiểu, nhân dân làm có hiệu quả, các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng, chú ý phản ánh các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, nêu các tồn tại, hạn chế và góp ý, hiến kế để các cơ quan làm tốt hơn nữa công tác này.

Trước đó báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay trong chín tháng năm 2022, Chính phủ và các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 657 quy định kinh doanh tại 73 văn bản; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 183 quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Cập nhật gần 17.800 quy định hiện hành trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực; ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025.

11.700 bộ phận một cửa các cấp trên cả nước được thành lập (56 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh); 53/63 địa phương hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Hơn 4.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trên 61%) và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, việc cải cách chế độ công vụ được đẩy mạnh, nhất là ở công tác xây dựng hoàn thiện thể chế và tinh giản biên chế. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt kết quả tích cực.

Theo VGP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm