Trước giờ G, người dân muốn xác thực sinh trắc học để chuyển tiền cũng không dễ

(PLO)- Trước 1-7, rất nhiều người hối hả xác thực sinh trắc học, nhưng cũng có những người nói không với xác thực sinh trắc học vì thấy chưa cần thiết.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ ngày mai (1-7), Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực.

Theo đó, chỉ có những tài khoản thanh toán đã xác thực sinh trắc học thành công mới đủ điều kiện để chuyển tiền online trong nước hoặc nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày; chuyển tiền ra nước ngoài hay thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày...

Mệt nhoài với việc xác thực sinh trắc học

Thời gian gần đây, không chỉ có các ngân hàng thương mại đang rốt ráo thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, mà ngay cả các khách hàng cũng chủ động cập nhật sinh trắc học để việc giao dịch từ ngày 1-7 không bị gián đoạn. Nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công ngay từ thao tác đầu tiên.

Chia sẻ với PLO, anh Nguyễn Vinh (quận Tân Phú, TP.HCM) kể: Vài ngày nay, bạn bè, đồng nghiệp của tôi đều miệt mài xác thực sinh trắc học. Nhưng có những app ngân hàng trục trặc khiến khổ chủ kiên nhẫn chụp CCCD gắn chip tới… 30 lần, rốt cuộc vẫn không thể thành công.

Với cá nhân tôi, chỉ có 2 tài khoản ngân hàng và một ví điện tử, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa xác thực sinh trắc học bất cứ một app nào. Đơn giản là vì tôi thấy chưa cần thiết, bởi các giao dịch thanh toán hàng ngày của tôi hiếm khi lên tới 10 triệu đồng/lần và vượt 20 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, vào thời điểm này đang có quá nhiều người cùng xác thực sinh trắc học khiến hệ thống của ngân hàng quá tải. Thậm chí có ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng kết nối hệ thống, khiến việc thu thập dữ liệu khách hàng liên tục bị lỗi.

"Chính vì vậy, tôi sẵn sàng chậm lại một nhịp, để khi cần mới xác thực cũng chưa muộn, đỡ phải rắc rối", anh Vinh bày tỏ.

Chị Mai Anh (Tân Phú, TPHCM) cũng cho biết, sau nhiều lần kiên nhẫn thực hiện các bước xác thực sinh trắc học tại nhà nhưng không được, chị đành ra phòng giao dịch của ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Thế nhưng việc xác thực bằng thiết bị chuyên dụng của ngân hàng vẫn không thành công. Cuối cùng câu trả lời mà chị nhận được từ nhân viên ngân hàng là “chị cứ về nhà chờ hệ thống khắc phục lỗi này”.

Chị Anh bức xúc: "Vấn đề đặt ra là sau ngày 1-7 mà lỗi này do ngân hàng vẫn chưa thể xử lý thì tôi lại phải chạy ra ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng. Vậy là lỗi của ngân hàng nhưng khách hàng sẽ là bên phải chịu đựng những phiền phức, mệt mỏi không đáng có".

Tương tự, chị Tố Lan (quận 9) chia sẻ: “Tôi có 3 app ngân hàng và 1 ví điện tử. Hiện nay 2 app ngân hàng và ví điện tử đã xác thực sinh trắc học xong, nhưng vẫn còn một app ngân hàng khác không thể hoàn tất do hệ thống liên tục báo lỗi.

Ba ngày gần đây, ngày nào tôi cũng loay hoay tới 15-20 phút thực hiện các bước xác thực, nhưng cứ chụp xong hai mặt CCCD gắn chip và quét mã QR trên góc phải của CCCD là hệ thống báo lỗi. Tôi cũng nhờ nhiều người làm thử nhưng vẫn không thể thành công".

Chị Lan cho hay, quá mệt mỏi với tình trạng trên, chị quyết định lựa chọn giải pháp là chuyển toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản này sang tài khoản đã xác thực sinh trắc học. Cách này vừa đỡ mất thời gian, vừa đỡ bực mình. "Tôi cho rằng, với những app ngân hàng mà nền tảng công nghệ hay bị lỗi như vậy, có lẽ sẽ mất một số lượng khách hàng không hề nhỏ khi Quyết định 2345 đi vào cuộc sống

Được biết, đối với những khách hàng chỉ có CMND, chưa có CCCD gắn chip hoặc điện thoại không có tính năng đọc NFC, thì giải pháp duy nhất là khách hàng sẽ phải đến cập nhật sinh trắc học trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng.

Hoặc với khách hàng là người nước ngoài, do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khách hàng cũng cần đến trực tiếp điểm giao dịch của các ngân hàng với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.

Khách hàng BIDV xác thực sinh trắc học thành công
Khách hàng BIDV xác thực sinh trắc học thành công: Ảnh:T.L

Hết sợ mất tiền 'khủng' trong khi ngủ

Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận: Đầu tư thiết bị đọc chip chuyên dụng cho tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh cần một chi phí khá tốn kém. Do đó, có ngân hàng “rải” thiết bị đọc chip ở một số chi nhánh, phòng giao dịch, chứ không “rải” trên toàn bộ hệ thống. Hoặc có quy trình thu thập khuôn mặt của khách hàng chưa được chuẩn hóa cùng hệ thống, điều này dễ gây ra lỗi khi đọc thông tin trên CCCD gắn chip.

Trong khi đó, để đảm bảo tất cả khách hàng đều cập nhật được khuôn mặt trước ngày 1-7, TPBank liên tục đưa ra các clip hướng dẫn kèm các minh họa cụ thể để khách hàng có thể tự thao tác và thực hiện. Nếu khách hàng không tự thao tác được, TPBank sẵn sàng đa dạng kênh hỗ trợ, song song với app TPBank là LiveBank 24/7 với các tư vấn viên hỗ trợ ngày đêm, quầy giao dịch truyền thống với các thiết bị đọc chip chuyên dụng, hay các chuyên viên khách hàng đến tận nơi để chăm sóc và hỗ trợ khách hàng thao tác.

Thực tế, nhiều người dùng lâu nay đã sử dụng tính năng xác thực khuôn mặt (hay còn gọi là Face ID), vân tay trên điện thoại để đăng nhập tài khoản hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử thay vì gõ mật khẩu. Vậy bổ sung thêm việc xác thực sinh trắc học có cần thiết hay không?

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết: "Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng rằng, Face ID là dữ liệu về khuôn mặt được lưu ở trong điện thoại cá nhân và truyền kết quả xác thực đến ứng dụng ngân hàng, ví điện tử và không đảm bảo chính khách hàng đăng ký tài khoản là người thực hiện giao dịch.

Nhưng với việc xác thực dấu hiệu sinh trắc học bằng khuôn mặt (Face Biometric) theo Quyết định 2345 là để so khớp giữa khuôn mặt của người mở tài khoản và dữ liệu về khuôn mặt được lưu trữ trong CCCD hoặc với dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an. Qua đó, giúp xác thực công dân có CCCD đó có phải là chủ tài khoản thanh toán hay không”.

Theo các chuyên gia, bảo mật sinh trắc học được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: "Ngay cả khi kẻ gian dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tài khoản thanh toán của khách hàng. Nhưng nếu không có các yếu tố sinh trắc học của chủ tài khoản thì kẻ gian cũng khó thực hiện việc chuyển tiền giá trị lớn sang các tài khoản khác.

Hay nói cách khác, nếu không đúng chủ tài khoản thì các giao dịch chuyển khoản online từ trên 10 triệu đồng/lần sẽ không thể thực hiện được. Do đó, xác thực sinh trắc học không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trước các chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng mà còn giúp khách hàng giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra”.

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết: Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung và không hạn chế số lần cập nhật.

Giao dịch trực tuyến nào không cần xác thực khuôn mặt?

Theo quy định, với các giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như chuyển tiền, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí…với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng, khách hàng không cần xác thực bằng sinh trắc học.

Cách xác thực sinh trắc học mới nhất từ ngày 1-7

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên khai thác hệ thống định danh và xác thực điện tử thông qua kết nối trực tiếp giữa ứng dụng VCB Digibank và ứng dụng VNeID. Tính năng này sẽ ra mắt từ ngày 1-7. Tuy nhiên, để xác thực theo cách này, khách hàng cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 và cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm