Toát mồ hôi hột, khóc ròng khi xác thực sinh trắc học để...chuyển tiền tại ngân hàng

(PLO)- Lệch thời điểm “chốt” làm CCCD gắn chip và xác thực sinh trắc học, điện thoại không có tính năng đọc NFC, hoặc mỗi điện thoại đọc NFC ở một vị trí khác nhau… khiến chủ tài khoản mệt nhoài khi xác thực sinh trắc học.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1-7 tới đây, chỉ có những tài khoản thanh toán đã xác thực sinh trắc học thành công mới đủ điều kiện để chuyển tiền online từ 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, người dân gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chủ trương này.

Chật vật khi xác thực sinh trắc học

Chị Ngọc Lan, quận 3, TP.HCM chia sẻ: Mẹ chị gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại có trụ sở chính ngoài Hà Nội và mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng này. Cách đây một tuần, anh trai của chị ở dưới quê có việc cần tiền gấp nên mẹ chị ra ngân hàng rút tiết kiệm trước thời hạn để phụ giúp.

“Hoàn tất thủ tục tất toán sổ tiết kiệm, nhân viên ngân hàng cũng khuyến cáo mẹ tôi cần phải thực hiện xác thực sinh trắc học bằng CCCD gắn chip. Nếu không, sau ngày 1-7, những giao dịch chuyển khoản online trên 10 triệu sẽ không thể thực hiện được.

Do mẹ tôi hiện chưa làm CCCD gắn chip, lo lắng các giao dịch chuyển khoản sau ngày 1-7 sẽ bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến những giao dịch quan trọng, nên sau khi chuyển một phần tiền cho anh trai, mẹ tôi chuyển toàn bộ số tiền còn lại từ tài khoản của mẹ sang tài khoản của tôi để sau này khi mẹ cần tôi sẽ thay mẹ chuyển tiền.

Vậy là thay vì trực tiếp chuyển khoản ngay trên tài khoản thanh toán mà mẹ tôi đã mở thì từ 1-7, trong trường hợp mẹ tôi chưa làm CCCD gắn chip, thì tài khoản này chỉ dùng để nhận tiền hoặc chuyển khoản dưới 10 triệu/lần và dưới 20 triệu/ngày”, chị Ngọc Lan nói thêm.

“Tôi thừa nhận quy định xác thực thông tin sinh trắc học sẽ giúp bảo đảm an toàn hơn, nhưng điều này vô hình trung đang làm “giới hạn” quyền sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng. Trong khi đó, lâu nay các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng bằng e-KYC, rồi cho phép xác thực giao dịch bằng vân tay và hoàn toàn trùng khớp với CCCD chưa gắn chip. Vậy tại sao, cứ nhất thiết phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt theo CCCD gắn chip mới được.

Chưa kể, hiện nay Bộ Công an vẫn kéo dài thời gian chuyển đổi CCCD gắn chip đến hết 31-12-2024. Tuy nhiên, khi Quyết định 2345 có hiệu lực vào đầu tháng 7 thì những người chưa chuyển đổi CCCD gắn chip như mẹ tôi đang bị “tước” đi quyền lợi chính đáng của mình”, chị Lan nêu quan điểm.

Khách hàng đang thực hiện xác thực sinh trắc học
Khách hàng đang thực hiện xác thực sinh trắc học. Ảnh: Minh Hoàng

Tương tự, chị Ngọc Mai, quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ về khó khăn của mình khi xác thực sinh trắc học: Chỉ còn vài ngày nữa, quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học chính thức có hiệu lực. Do đó, chị chủ động vào các app của những tài khoản ngân hàng mà mình đang sử dụng để thực hiện xác thực sinh trắc học.

Dù đã thao tác đúng theo hướng dẫn của ngân hàng như chụp hai mặt của CCCD gắn chip, rồi đặt mặt sau của CCCD gắn chip vào lưng điện thoại để quét thông tin, nhưng hệ thống liên tục báo lỗi. Thậm chí tôi lên mạng tìm các clip hướng dẫn để xem cách đặt CCCD gắn chip ở vị trí nào trên lưng điện thoại cho đúng, nhưng vẫn thất bại.
Sau cùng chị vẫn phải thực hiện theo cách thức “tâm linh”, xê dịch CCCD gắn chip từng chút để tìm kiếm vị trí trùng khớp giữa CCCD và điểm đọc tính năng NFC trên điện thoại.

Lạ lùng hơn là trường hợp của anh Lê Phi (Vũng Tàu) phản ánh về PLO cho biết, dù anh đã thao tác các bước đúng theo hướng dẫn, đọc thông tin trên CCCD gắn chip cũng đã thành công, nhưng rốt cục hệ thống vẫn thông báo việc xác thực không đúng và yêu cầu phải ra quầy để làm.

Thậm chí, có khách hàng miệt mài chụp ảnh hai mặt CCCD gắn chip, rồi cập nhật lên app mobile banking, nhưng hệ thống báo điện thoại không có tính năng hỗ trợ đọc NFC. Tức là những khách hàng này nếu muốn chuyển tiền online trên 10 triệu đồng sẽ phải nhanh chóng lên đời điện thoại thông minh hơn…

Chuyển khoản tại ngân hàng nếu chưa xác thực sinh trắc học

Trao đổi với PLO, lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết: Đối với những khách hàng điện thoại không có tính năng đọc NFC trên CCCD gắn chip thì giải pháp hiện tại của chúng tôi là mời khách hàng ra quầy BIDV, cán bộ sẽ dùng Smartsales trên thiết bị cán bộ (là 1 ứng dụng nội bộ cho cán bộ của BIDV) để thu thập dữ liệu sinh trắc học giúp họ.

Hiện tại, giải pháp Smartsales khá hiệu quả, số liệu tăng trưởng hàng ngày. BIDV hiện là ngân hàng đã thu thập được dữ liệu sinh trắc học của khách hàng lớn nhất thị trường (khoảng gần 1.000.000 khách hàng).

"Đối với khách hàng không có CCCD gắn chip, theo báo cáo của Bộ Công an hiện có khoảng 800.000 – 1.000.000 đến khách hàng chưa có CCCD gắn chip. Theo thông tin từ NHNN và Bộ Công an, đối với những trường hợp này, khách hàng cần phải ra công an cấp lại CCCD gắn chip, trường hợp không cấp được thì chấp nhận giao dịch tại quầy hoặc online dưới hạn mức quy định 2345”, đại diện BIDV nói.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng cho biết: Quyết định 2345/2023 của NHNN triển khai nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ sắp đi vào hiệu lực. Đồng nghĩa với việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.

Nỗi lo bỗng nhiên “bốc hơi” một số tiền lớn trong tài khoản mà người dùng không thao tác được giảm thiểu. Tuy nhiên, việc lấy mẫu khuôn mặt cũng có thể mang đến một số khó khăn trong thao tác khi khách hàng phải sử dụng điện thoại của mình để đọc chip NFC trên CCCD.

Với hầu hết các ngân hàng, khi không thể cập nhật khuôn mặt trên môi trường online, khách hàng cần ra quầy giao dịch truyền thống vào giờ hành chính để được giao dịch viên hỗ trợ thực hiện. Nhưng tại TPBank lại khác, ngay cả khi không muốn, không thể tới quầy vào giờ hành chính, khách hàng vẫn có thể cập nhật khuôn mặt tại LiveBank 24/7 với tư vấn viên hỗ trợ từ xa vào mọi thời điểm trong ngày.

Và ngay khi quyết định này được công bố cuối năm 2023, TPBank lập tức chuẩn hóa và thực hiện bổ sung các quy định về việc thu thập/xác thực sinh trắc học bằng việc bổ sung giải pháp đọc NFC lấy thông tin từ CCCD được phát hành bởi Bộ Công an để so khớp với cơ sở dữ liệu sinh trắc học cũ.

Bắt đầu thu thập và chuẩn hoá dữ liệu từ đầu tháng 4 năm nay, trung bình mỗi ngày có trên dưới 10.000 mẫu khuôn mặt và CCCD được cập nhật vào kho dữ liệu của TPBank từ tất cả các kênh (Mobile Banking, Internet Banking, Quầy và LiveBank 24/7).

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank phân tích : Trước khi có Quyết định 2345, các yếu tố xác thực khi giao dịch chuyển khoản trực tuyến chỉ dừng lại ở các phương thức xác thực truyền thống như OTP, SmartOTP hay chữ kí, pin thẻ… Tuy nhiên, các phương thức xác thực này vẫn bị kẻ gian lợi dụng kẽ hở để lừa khách hàng (Phishing lấy số OTP, hay giả mạo danh tính/chữ kí) để lừa mất tiền.

Kể cả việc xác thực bằng FaceID cũng chỉ phụ thuộc vào các thuật toán so khớp mẫu khuôn mặt trên thiết bị điện thoại cá nhân mà không đảm bảo chính khách hàng đăng ký tài khoản là người thực hiện giao dịch.

Do đó, việc có Quyết định 2345 đảm bảo thắt chặt thêm phần xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên CCCD đảm bảo người giao dịch là chính chủ tài khoản ngân hàng, từ đó mang lại những tác động tích cực với cả khách hàng và ngân hàng".

TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm: Mục tiêu cao nhất của Quyết định 2345/2023 của NHNN chính là để bảo vệ tiền trong tài khoản thanh toán của người dân. Song điều đáng nói ở đây chính là thời điểm để thực hiện quyết định này không trùng khớp với thời điểm cuối việc thực hiện chuyển đổi CCCD gắn chip.

Đáng lẽ lộ trình chuyển đổi CCCD gắn chip phải hoàn tất trước khi NHNN ban hành quy định về việc xác thực sinh trắc học. Tức là khi 100% người dân có CCCD gắn chip thì việc xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản trực tuyến mới diễn ra. Nhưng giờ đây người dân thực hiện chuyển đổi sang CCCD gắn chip chưa đạt tỉ lệ 100% và không thể ép buộc họ khi thời hạn cuối vẫn chưa kết thúc.

"Nếu NHNN và Bộ Công an đưa ra thời điểm thực hiện chuyển đổi CCCD gắn chip và xác thực sinh trắc học trùng khớp sẽ giúp người dân giảm thiểu khó khăn không đáng có trong quá trình xác thực sinh trắc học", ông Huân nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ thường niên KienlongBank: Thông qua kế hoạch tăng trưởng 24% năm 2025

ĐHĐCĐ thường niên KienlongBank: Thông qua kế hoạch tăng trưởng 24% năm 2025

(PLO)- Ngày 25-4, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank; UpCOM: KLB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 theo hình thức trực tuyến. Tại Đại hội, với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông KienlongBank đã thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chiến lược của Ngân hàng trong thời gian tới.

Nam A Bank nhận giải thưởng Vietnam ESG Awards

Nam A Bank nhận giải thưởng Vietnam ESG Awards

(PLO)- Mới đây, tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Nam A Bank nhận giải thưởng ESG Việt Nam 2024 (Vietnam ESG Awards 2024).

Lương 13 triệu, vẫn đầu tư cho tương lai: Bí quyết tài chính của người trẻ thời nay

Lương 13 triệu, vẫn đầu tư cho tương lai: Bí quyết tài chính của người trẻ thời nay

(PLO)- Tiết kiệm không nằm ở việc “có dư mới để dành”, mà ở tư duy cũng như hành động có chủ đích. Chỉ bằng cách chi tiêu thông minh, tích lũy và đầu tư từ sớm thì chúng ta mới đạt được mục tiêu sống an vui ở hiện tại, mà vẫn tạo được tương lai tài chính vững vàng ở tuổi trung niên.

HDBank nói gì về kế hoạch tái cấu trúc Vikki Bank

HDBank nói gì về kế hoạch tái cấu trúc Vikki Bank

(PLO)- HDBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng ở mức 32% trong năm 2025, bất chấp những thách thức từ chính sách thuế quan toàn cầu và biến động thị trường. Trong đó HDBank cũng trả lời về việc tái cấu trúc Vikki Bank.

KienlongBank đặt mục tiêu tăng trưởng 24% trong năm 2025

KienlongBank đặt mục tiêu tăng trưởng 24% trong năm 2025

(PLO)- Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank; UpCOM: KLB) mới đây đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Bên cạnh các tài liệu về kinh doanh, Ngân hàng dự kiến thông qua phương án phân phối lợi nhuận, chi cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tăng vốn điều lệ và chuẩn bị niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán.

Phó Tổng Giám đốc VietinBank nhận Giải thưởng ‘Nhà Lãnh đạo IT của năm’

Phó Tổng Giám đốc VietinBank nhận Giải thưởng ‘Nhà Lãnh đạo IT của năm’

(PLO)- Ngày 16-4 vừa qua, tại Chương trình “Chuỗi đổi mới tài chính thế giới - Việt Nam 2025” (WFIS 2025); ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin, Giám đốc Khối Dữ liệu & Trí tuệ nhân tạo VietinBank đã được vinh danh với Giải thưởng “IT Maestro of the year - Nhà Lãnh đạo IT của năm”.

VietinBank xuất sắc giành 5 Giải thưởng Sao Khuê 2025

VietinBank xuất sắc giành 5 Giải thưởng Sao Khuê 2025

(PLO)- Ngày 19-4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2025 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA). Tại buổi Lễ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) được vinh danh với 5 sản phẩm ngân hàng số tiêu biểu gồm: VietinBank iPay Mobile, Giải ngân online, digiGOLD, VietinBank eFAST XMATE và VietinBank Genie.