Viện kiểm sát Bình Phước rút kinh nghiệm án oan

Mới đây, VKSND tỉnh Bình Phước đã có báo cáo rút kinh nghiệm trong các vụ án oan, án bị hủy… gửi VKSND Tối cao, VKSND cấp cao tại TP.HCM. Trong báo cáo này, VKSND tỉnh Bình Phước đã chỉ ra nhiều vi phạm, sai sót trong hai vụ án oan của bà Trần Thị Búp và ông Trần Văn ĐềPháp Luật TP.HCM từng phản ánh.

Hình sự hóa giao dịch mua bán

Trong vụ án của bà Búp, quá trình điều tra xác định: Bà T. có hai container hạt điều, do buôn bán lần đầu nên nhờ bà D. đứng ra thỏa thuận giá cả và bán cho bà Búp. Sau khi mua, bà Búp bán cho anh T. một container với giá hơn 883 triệu đồng, bán cho chị L. một container với giá hơn 886 triệu đồng.

Ngày 2-2-2015, bà Búp đã trả cho bà D. số tiền một container hạt điều mà bà Búp bán cho anh T. Còn số tiền bán một container hạt điều cho chị L. thì bà không trả với lý do dùng để cấn trừ một khoản nợ mà bà D. đang nợ bà. Bà T. (chủ lô hàng trên) yêu cầu bà Búp trả tiền thì bà Búp không đồng ý, không ký nhận nợ với bà T. Bà T. bèn tố cáo ra Công an huyện Bù Gia Mập.

Kết quả xác minh cho thấy không có chứng cứ chứng minh bà Búp biết hai container hạt điều trên là của bà T. Việc bà Búp chưa thanh toán hết tiền mua hạt điều cho bà D. là do hai bên còn tranh chấp nợ nần. Đây chỉ là tranh chấp dân sự nhưng ngày 12-2-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bù Gia Mập vẫn bắt khẩn cấp bà Búp (hôm sau VKS huyện phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp). Đến ngày 18-2-2015, Cơ quan CSĐT công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với bà Búp về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS (VKS huyện phê chuẩn cùng ngày).

Sau vệt bài phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, tháng 9-2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã đình chỉ điều tra đối với bà Búp vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Về vụ án trên, VKSND tỉnh Bình Phước chỉ rõ các vi phạm sau:

Thứ nhất, CQĐT và VKSND huyện Bù Gia Mập ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Búp là không có căn cứ. Bởi lẽ việc bà Búp mua bán hai container hạt điều với bà D. là giao dịch dân sự ngay tình. Bà Búp và gia đình có hộ khẩu thường trú, có cơ sở sản xuất hạt điều tại địa phương, chấp hành đầy đủ các yêu cầu của CQĐT, không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có thủ đoạn gian dối, tẩu tán chứng cứ.

Thứ hai, trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam, kiểm sát viên chủ quan, không nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ điều tra ban đầu của CQĐT để kịp thời yêu cầu xác minh, làm rõ bản chất mối quan hệ buôn bán, nợ nần giữa bà Búp và bà D. Kết quả điều tra không chứng minh được bà Búp có những hành vi như dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, bỏ trốn khỏi nơi cư trú để chiếm đoạt tài sản hoặc dùng số tiền bán một container hạt điều vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ. Vì vậy, việc đình chỉ điều tra bà Búp với lý do hành vi không cấu thành tội phạm là có căn cứ.

Bà Trần Thị Búp và ông Trần Văn Đề - hai người bị oan ở Bình Phước. Ảnh: N.ĐỨC

Xác định sai trường hợp không chấp hành án

Trong vụ án ông Đề, năm 2000, vợ chồng ông Đề cùng ông Trần Văn Năng và một số người mua chung mảnh đất rộng gần 96 ha ở huyện Chơn Thành. Những người này thống nhất để vợ chồng ông Đề đứng tên trên giấy đỏ. Sau đó, các bên bốc thăm chia đất, trong đó ông Năng được chia 3 ha đất.

Năm 2008, ông Năng yêu cầu tách thửa. Kiểm tra thực tế thì phần đất của ông Năng hơn 3,5 ha nên các bên tranh chấp, kiện tụng. Tháng 7-2011, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm đã công nhận quyền sử dụng đất của ông Năng đối với phần đất trên, buộc ông Đề phải làm thủ tục sang tên cho ông Năng…

Sau khi Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Chơn Thành ra quyết định cưỡng chế buộc ông Đề phải sang tên phần đất hơn 3,5 ha cho ông Năng, ông Đề không chấp hành nên cơ quan này chuyển hồ sơ cho Công an huyện Chơn Thành.

Ông Đề bị khởi tố về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS. Sau phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, tháng 4-2015, VKSND huyện Chơn Thành đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Đề vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Cụ thể, phần đất mà hai cấp tòa sơ, phúc thẩm giao cho ông Năng có 995 m2 là suối. Theo quy định, Nhà nước quản lý đất này nên không thể công nhận quyền sử dụng và cấp giấy đỏ cho ông Năng. Tuyên án như trong hai bản án dân sự sơ, phúc thẩm là vướng mắc, không thể thi hành.

Mặt khác, Chi cục THA huyện đã không làm hết trách nhiệm trong quá trình THA. Khi ông Đề đưa ra lý do là hai bản án tuyên không đúng thực tế, chi cục không yêu cầu Phòng TN&MT huyện hay UBND huyện xem xét rằng nếu căn cứ vào án tuyên thì có cấp giấy đỏ cho ông Năng được không. Chi cục cũng không kiến nghị TAND tỉnh Bình Phước xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…

Về hai bản án dân sự sơ, phúc thẩm, liên ngành tố tụng huyện Chơn Thành đã nhận thấy có sai sót, không thể thi hành nên đề nghị VKS tỉnh, TAND tỉnh Bình Phước yêu cầu cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 1-2015, VKS tỉnh và TAND tỉnh đã họp thống nhất là không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vì hết thời hiệu.

Theo VKSND tỉnh Bình Phước, hai bản án dân sự buộc ông Đề thực hiện hành vi mà ông không thể thực hiện được (chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có thể thực hiện). Vụ việc của ông không thuộc trường hợp không chấp hành án theo Luật THA dân sự nên không cấu thành tội phạm.

Trình độ hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm

Năng lực, trình độ của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán còn hạn chế chưa đáp ứng đòi hỏi đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có trường hợp kiểm sát viên chưa nắm vững các quy định pháp luật về hình sự và các quy định có liên quan dẫn đến việc phê chuẩn các quyết định không chính xác; không nắm vững các yếu tố cấu thành tội phạm, điển hình như vụ bà Trần Thị Búp bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra chưa làm hết trách nhiệm, có những vụ cần cương quyết không phê chuẩn mà phải xem xét xử lý bằng biện pháp khác hoặc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật khác như vụ án Trần Văn Đề bị khởi tố về tội không chấp hành án.

Lãnh đạo một số đơn vị VKSND cấp huyện cũng chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đối chiếu nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghe báo cáo nhưng không kỹ, không sâu, thiếu thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ, xem xét tội danh...

(Trích báo cáo của VKSND tỉnh Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm