24 tiếng sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở Anh dẫn đến quyết định Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các ngoại trưởng sáu nước sáng lập EU gồm Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã gặp nhau trong ngày 25-6 (giờ địa phương) tại Berlin (Đức).
Scotland chuẩn bị độc lập
Báo Deutsche Welle của Đức đưa tin hội nghị sáu ngoại trưởng EU ở Berlin được tổ chức nhằm chứng tỏ quyết tâm đoàn kết trong nội bộ EU và bảo đảm thời kỳ quá độ khi Anh rời EU gây ra tổn thất ở mức tối thiểu.
Sau hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier tuyên bố sáu nước nhất trí mong muốn Anh thực hiện quy trình rời khỏi EU nhanh nhất có thể.
Trước đó ông nhận định: “Tôi đoan chắc các nước đến đây muốn gửi đi thông điệp rằng chúng ta không để ai lấy mất châu Âu”. Ông đã đánh giá kết quả trưng cầu ý dân “là một ngày buồn cho châu Âu và Anh”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết hai ngoại trưởng Pháp và Đức sẽ giới thiệu các giải pháp cụ thể để EU hoạt động hiệu quả hơn.
Hội nghị sáu ngoại trưởng EU ở Berlin được tổ chức chỉ ba ngày trước khi EU họp hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 28 và 29-6. Chắc chắn hội nghị thượng đỉnh EU lần này phải bàn đến vấn đề “Brexit”.
Biếm họa của PETAR PISMESTROVIC (báo Kleine Zeitung của Áo).
Trong khi đó, sáng 25-6, Tổng thống Pháp François Hollande đã điện đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Báo Le Monde dẫn nguồn tin từ văn phòng tổng thống Pháp cho biết hai bên nhấn mạnh “Brexit” không thể mở ra thời kỳ bấp bênh cho EU.
Hai bên đã chia sẻ các phân tích về hậu quả và tình hình liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân ở Anh. Hai bên nhất trí phải hoàn toàn rõ ràng về lộ trình và quy trình Anh rời khỏi EU.
Sau cuộc họp khẩn tại Edinburgh ngày 25-6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã đề nghị đàm phán ngay với Brussels để ở lại EU. Bà cho biết đang chuẩn bị các đạo luật cho phép tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập cho Scotland.
Pháp muốn cải cách EU
Anh đang chuẩn bị bắt đầu quá trình đàm phán về rời khỏi EU. Dự kiến thời gian đàm phán với EU về các điều kiện rời EU có thể kéo dài đến hai năm. Nếu EU và Anh đạt được thỏa thuận sớm hơn thì quá trình này sẽ rút ngắn lại.
Phát biểu trên đài phát thanh ARD của Đức, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã đề nghị Anh phải trình ngay yêu cầu rời EU. Nhà lãnh đạo các cơ quan EU cũng hối thúc Anh thúc đẩy quy trình rời EU càng nhanh càng tốt. Ví dụ tại Pháp, Tổng thống François Hollande đã yêu cầu Anh nhanh chóng bắt đầu quy trình rời EU.
Ông muốn nhân cú sốc “Brexit” ở Anh để thay đổi hoạt động của EU, đặc biệt về các mặt an ninh và quốc phòng, đầu tư cho tăng trưởng và việc làm, hài hòa về thuế và xã hội, đồng thời củng cố khu vực đồng tiền chung và cung cách quản trị dân chủ.
Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước EU đừng nên rút ra kết luận quá nhanh chóng và đơn giản về cuộc trưng cầu ý dân ở Anh. Bà cho rằng phải có thời giờ suy nghĩ bởi các nước còn lại của EU phụ thuộc vào cách thức EU quản lý tình hình “Brexit” như thế nào.
Trong khi đó, ngày 25-6, Ủy viên châu Âu của nước Anh Jonathan Hill (đảng Bảo thủ Anh) đã tuyên bố từ chức. Đây là vụ từ chức thứ hai sau tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron.
Trong thông cáo, ông Jonathan Hill giải thích: “Bởi vì chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mới, tôi không nghĩ rằng điều tốt đẹp là tiếp tục giữ vai trò ủy viên châu Âu như không có chuyện gì xảy ra”.
Trong Ủy ban châu Âu, ông giữ chức ủy viên châu Âu phụ trách ổn định tài chính, các dịch vụ tài chính và thị trường vốn trong EU từ năm 2014. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết đã chuẩn bị bổ nhiệm một ủy viên mới.
Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbyn lại chưa sẵn sàng từ chức mặc dù ông bị chỉ trích đã quá mềm yếu trong hoạt động giữ nước Anh ở lại EU.
Trang tin Bloomberg đưa tin một số dân Anh đã lợi dụng tình hình lộn xộn sau trưng cầu ý dân để bán vàng và nữ trang với giá cao. Báo cáo của Ngân hàng Goldmans Sachs công bố ngày 24-6 (giờ địa phương) nhận định các nhà đầu tư bị sốc vì “Brexit” nên đang tìm đến chất lượng. Vàng được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn vào lúc thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu sụp đổ ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân ở Anh. Lúc đó giá vàng đã tăng vọt lên 1.359,08 USD/ounce. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến trái phiếu, đồng yen Nhật và franc Thụy Sĩ. |