EU: Anh đã chia tay thì nhanh dứt khoát

Khả năng Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã được khẳng định. Các lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng có những tuyên bố, phản ứng trái nhiều về điều này.

EU buồn và giận

Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý Brexit, các lãnh đạo EU - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz, Chủ tịch Hội đồng EU Mark Rutte, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã cùng ra tuyên bố đề nghị Anh khởi động đàm phán rời EU càng sớm càng tốt.

“Mọi trì hoãn sẽ chỉ kéo dài sự bất ổn không cần thiết. Chúng ta có những luật lệ để giải quyết chuyện này theo trình tự".

Tiến trình đàm phán để Anh chấm dứt thành viên EU một khi kích hoạt sẽ kéo dài hai năm. Một khi đã ra đi nếu Anh muốn vào lại thì lại phải đàm phán gia nhập từ đầu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định EU xác định sẽ không để sự ra đi của Anh làm lung lay sự thống nhất của 27 thành viên còn lại, thậm chí ông còn viện dẫn lời bài hát Stronger: “Điều không thể làm bạn gục ngã thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn".

EU muốn Anh ra đi càng sớm càng tốt

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk muốn Anh kích hoạt đàm phán ra đi càng sớm càng tốt. (Ảnh: REUTERS)

Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự thất vọng trước kết quả trưng cầu dân ý của Anh, gọi đó là một đòn mạnh với châu Âu. Bộ Ngoại giao Đức nhận định ngày Anh quyết định rời EU là một ngày buồn với cả châu Âu.

Bà Merkel cảnh báo các thành viên EU không nên có quyết định vội vàng theo sau quyết định rời EU của Anh, tránh làm chia rẽ thêm châu Âu.

Nhân vật cấp cao trong đảng bảo thủ MEP Manfred Weber, đồng minh thân cận với bà Merkel, cảnh báo Anh sẽ không nhận được sự đối xử đặc biệt nào nếu rời EU và phải rời EU trong hai năm, không được trì hoãn.

Frank-Walter Steinmeier đề nghị 27 thành viên còn lại kiềm chế, không có hành vi trả đũa Anh rời EU. “Chúng ta phải chấp nhận quyết định đã được lựa chọn, không tìm cách trả đũa".

Nói với đài truyền hình ZDF (Đức), Ngoại trưởng Steinmeier  cho rằng công việc đàm phán để Anh rời EU sẽ rất gian nan. Tuy nhiên, theo ông các lãnh đạo EU đã quyết định sẽ tập trung giải quyết các hệ lụy sau quyết định này của Anh, tái thiết một châu Âu mạnh mẽ hơn chứ sẽ không tập trung khai thác các bất đồng với Anh.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố thất vọng về quyết định của Anh, tuy nhiên khẳng định EU cần phải thay đổi để tiến về phía trước. Theo ông, quyết định ra đi của Anh là một phép thử với EU, kêu gọi EU sửa đổi các chính sách an ninh và công nghiệp, củng cố khu vực đồng euro.

Tại Ý, Thủ tướng Ý Matteo Renzi khẳng định Ý sẽ không theo chân Anh rời EU, tuy nhiên ông đề nghị EU nên thay đổi để củng cố sự thống nhất. Một cuộc thăm dò gần đây ở Ý cho thấy 48% người Ý chọn rời EU nếu Ý trưng cầu dân ý.

Ngoại trưởng Paolo Gentiloni cho biết Ý thất vọng về kết quả trưng cầu, đề nghị Anh và EU xúc tiến ngay việc đàm phán ra đi, tuy nhiên khẳng định Anh vẫn sẽ là đồng minh của EU.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định Hà Lan sẽ không theo chân Anh mà trưng cầu dân ý khả năng rời EU.

Chính phủ Ireland - một thành viên EU đã họp khẩn sau khi có kết quả trưng cầu. Anh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ireland, không tiếp cận được vào thị trường Anh sẽ là một tổn thất vô cùng lớn với kinh tế Ireland.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuyên bố tôn trọng quyết định của Anh dù đây là kết quả rất thất vọng với EU và Đan Mạch. “Giờ lựa chọn bước đi tiếp theo là quyền của chính phủ Anh. Hy vọng là Anh vẫn muốn duy trì quan hệ thân thiết với EU".

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định Ba Lan muốn duy trì quan hệ tốt với Anh. Bộ Ngoại giao Ba Lan lo ngại sự mất ổn định của hàng trăm ngàn người Ba Lan đang làm việc ở Anh.

Nga, Mỹ giữ thái độ trung lập

Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ Anh ở lại EU, ngày 24-6 đã ra một tuyên bố ngắn rằng Mỹ tôn trọng quyết định của Anh, điều này không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Tổng thống Obama tin tưởng Anh và EU vẫn sẽ là những đối tác tuyệt vời của Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cảnh báo Mỹ có thể sẽ chưa xúc tiến nhanh việc thương lượng các thoả thuận thương mại với Anh một khi Anh lựa chọn rời EU. Trong chuyến thăm Anh hồi tháng 4, Tổng thống Obama kêu gọi Anh ở lại EU và cảnh báo tiến trình đàm phán thoả thuận thương mại giữa Anh và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu Anh rời EU.

Bộ Quốc phòng Mỹ tự tin quan hệ quốc phòng với Anh sẽ được duy trì tốt đẹp, Anh sẽ vẫn là thành viên mạnh của NATO.

Tại Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định quyết định rời EU của Anh phán ánh rõ sự lo ngại ngày càng tăng tại châu Âu về nhập cư và an ninh. Ông cho rằng sở dĩ Anh quyết định ra đi một phần là vì bất mãn với cách thức làm việc của bộ máy lãnh đạo châu Âu ở Bỉ.

Tổng thống Putin lên án Thủ tướng Anh David Cameron vì cáo buộc ông ủng hộ Anh rời EU. Ông nói rằng việc ông Cameron nói Anh rời EU là có lợi cho Nga là “đòn chính trị thấp hèn nhất”.

“Chúng tôi theo dõi kỹ chuyện này nhưng chúng tôi không tác động gì lên nó và cũng không có ý định làm điều đó".

Tổng thống Putin nói thẳng việc Anh rời EU có lợi mà cũng có hại cho không chỉ Nga mà cả thế giới, tuy nhiên ông hy vọng rằng thị trường thế giới sẽ nhanh chóng ổn định lại sau cú sốc ban đầu.

Trước đó, văn phòng tổng thống Nga cho biết Nga hy vọng sẽ cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nga với một nước Anh không còn là thành viên EU. Văn phòng tổng thống Nga khẳng định việc Anh rời EU không có lợi cho chính sách đối ngoại của Nga, chẳng hạn là sẽ không có tác động gì đến sự đối đầu giữa EU với Nga quanh các vấn đề Ukraine và Crime.

Các nước ngoài EU lo ngại hệ lụy kinh tế

Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ tại EU Ömer Celik bày tỏ thất vọng về quyết định của Anh và cam kết ủng hộ sự thống nhất của EU. Thổ Nhĩ Kỳ đang trong quá trình thương lượng gia nhập EU.

Hai ngày trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý quyết định Thổ Nhĩ Kỳ có nên tiếp tục thương lượng vào EU hay không.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cảnh báo quyết định rời EU của Anh sẽ khuyến khích tư tưởng cực đoan, hoài nghi về EU tại các nước thành viên còn lại.

Tại Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng An ninh Gilad Erdan hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Anh. Hai ông khen ngợi Thủ tướng Anh Cameron, cho biết hợp tác an ninh, kinh tế, kỹ thuật hai nước đã được mở rộng rất nhiều trong thời gian lãnh đạo của ông Cameron.

Một số thành phần cực hữu hoan nghênh Anh rời EU, cho rằng điều này sẽ làm EU suy yếu, dẫn tới áp lực EU áp lên Israel về vấn đề chiếm đóng Bờ Tây sẽ giảm.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định quan hệ Úc-Anh sẽ vẫn tốt đẹp, kêu gọi người Úc không nên hoảng loạn trong tình hình quyết định rời EU của Anh làm thị trường chứng khoán nước này tụt dốc.

Tại Nhật, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng thị trường tài chính Nhật nhanh chóng bình ổn sau quyết định rời EU của Anh. Quyết định của Anh đã khiến thị trường chứng khoán Nhật giảm mạnh, trong khi đó đồng yen lại tăng giá.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Motoo Hayashi thừa nhận quá trình thương lượng thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật với Anh sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-sa cam kết sẽ có biện pháp hạn chế ảnh hưởng của việc Anh rời EU đến Hàn Quốc, cho biết muốn thương lượng một thỏa thuận tự do thương mại song phương với Anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm