Không thể lao động trẻ thiếu việc làm còn lao động già vẫn phải chờ được nghỉ hưu. Đó là ý kiến của một cử tri quận 11 (TP.HCM) tại hội nghị tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV sau kỳ họp thứ 8.
Cử tri Đoàn Vĩnh Phúc. Ảnh: NGÂN NGA
Cụ thể, cử tri Đoàn Vĩnh Phúc nói Bộ luật Lao động vừa thông qua, quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là nam giới phải làm thêm hai năm nữa, nữ giới thêm năm năm nữa thì không công bằng.
"Xưa nay, giữa nam và nữ chênh nhau năm năm nhưng nay khoảng cách chỉ còn hai năm..." - ông nói.
Cử tri Phúc còn nêu các em sinh viên tốt nghiệp đại học, trung cấp… hằng năm ra trường không có việc làm thì không thể nói thiếu lao động trẻ. Cho nên đây là một băn khoăn cho người lao động chân tay khi bị kéo dài tuổi lao động. Cần phải xem xét cho phù hợp với lao động Việt Nam, chứ không lao động trẻ thiếu việc làm phải đi hợp tác nước ngoài còn lao động già vẫn phải chờ được nghỉ hưu.
Còn cử tri Trần Lương Lai (phường 15) thì cho rằng hiện nay, các bộ, ngành soạn thảo luật sẽ tạo ra sự xung đột tự nhiên giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm như đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng nêu...
Ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKSND Tối cao). Ảnh: NGÂN NGA
Trả lời cử tri về Bộ luật Lao động, ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKSND Tối cao) nói: Về mở rộng thời gian làm thêm tối đa mỗi năm tăng thêm ba tháng với nam, nữ thêm bốn tháng.
"Mặc dù luật ban hành rồi nhưng cử tri góp ý thì chúng tôi cũng trao đổi lại. Ý kiến của cử tri Phúc thực ra cũng có nhiều ý kiến đã từng nêu ra tại Quốc hội nhưng khi biểu quyết bấm nút lại chiếm trên 80% đồng ý" - ông nói.