Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng đậu nành nhập khẩu trong tháng 11-2015, đạt 165.000 tấn với giá trị 70 triệu USD. Con số này đã đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1,4 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 639 triệu USD.
Đối với bắp nhập khẩu trong tháng 11-2015 đạt 795.000 tấn với giá trị đạt 163 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng đầu năm 2015 đạt 6,56 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,4 tỉ USD, tăng 59% về khối lượng và tăng 34% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Braxin và Argentina là hai thị trường nhập khẩu chính mặt hàng này của Việt Nam, chiếm lần lượt là 56% và 39% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.
Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ là Argentina gấp 7,5 lần về khối lượng và 6,5 lần về giá trị. Những nước này đều trồng bắp, đậu nành biến đổi gen (GMO) với diện tích lớn.
Dù là nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra khoảng 4 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo các chuyên gia, đây là một nghịch lý và nghịch lý này còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.
Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết Việt Nam sản xuất trên 15 triệu tấn TACN công nghiệp. Theo Cục Chăn nuôi, với sản lượng trên 15 triệu tấn, ngành sản xuất TACN công nghiệp Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và xếp 12 thế giới. Tuy nhiên, để có sản lượng TACN trên, Việt Nam phải nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu, tốn hàng tỉ USD. Trong số nguồn nguyên liệu nhập về, khô dầu đậu nành, bắp, lúa mì, bột xương, bột cá… là chủ yếu.
Lãnh đạo Hiệp hội TACN cho hay TACN công nghiệp có khoảng 20 thành phần, trong đó thành phần chính là khô dầu đậu nành và bắp. Tuy nhiên, sản lượng đậu nành trong nước để làm TACN gần như bằng không. Với khoảng 3,5-4 triệu tấn bắp được đưa vào chế biến TACN, khoảng 1 triệu tấn cám, 1,5 triệu tấn sắn... chỉ đáp ứng được khoảng 45%-50% nguyên liệu sản xuất TACN công nghiệp.