Ngay sau khi Chính phủ cho phép trồng đại trà, giống bắp GMO đã được nhiều nông dân ở ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ đưa vào trồng thương mại vụ đầu tiên.
So với bắp lai thông thường, nhờ kháng được sâu bệnh, hạn chế tối đa cỏ dại nên bắp GMO có năng suất vượt trội, trái to, đều hạt.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Chúng tôi đến thăm ruộng bắp GMO của ông Huỳnh Văn Huệ ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu (An Giang) khi bắp vừa đủ 90 ngày, chuẩn bị thu hoạch. Ông Huệ trồng giống bắp DK6919S kháng sâu đục thân.
Chia sẻ về những điểm khác biệt của giống bắp GMO và bắp lai thông thường, ông Huệ cho biết bắp lai phải phun 4-5 đợt thuốc trừ sâu và vài đợt thuốc trừ cỏ cho mỗi vụ. Đối với bắp GMO, hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu và chỉ cần một lần phun thuốc cỏ nhưng vẫn kiểm soát được đến 95% cỏ dại trên ruộng. Thêm nữa, đối với bắp lai, dù phun thuốc nhiều lần nhưng tỉ lệ cây bị sâu phá hại vẫn chiếm 40%-50% nếu xử lý không tốt.
“Đặc biệt, giống bắp GMO dù mới trồng vụ đầu tiên mà đạt năng suất 14,6 tấn bắp tươi/ha trong khi bắp lai thông thường chỉ đạt khoảng 9,4 tấn bắp tươi/ha” - ông Huệ cho biết.
Đây cũng là vụ đầu tiên ông Nguyễn Văn Minh ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trồng bắp GMO giống NK66bt/GT. Ông Minh chia sẻ: “Ban đầu nghe giới thiệu về giống bắp GMO kháng sâu đục thân - “kẻ thù” khó diệt nhất của nông dân trồng bắp thì tôi không tin. Nhưng sau khi tìm hiểu, cuối cùng tôi quyết định trồng loại bắp này”.
Ông Huỳnh Văn Huệ (trái) chia sẻ ưu thế của giống bắp biến đổi gen (GMO) với các nông dân khác đến tham quan ruộng bắp của mình. Ảnh: q.huy
So sánh về lợi nhuận giữa trồng bắp GMO và bắp thường, ông Minh nói năng suất bắp tươi giống GMO đạt hơn 14 tấn/ha, trong khi bắp lai thông thường chỉ gần 10 tấn/ha. Với giá bắp 4.000 đồng/kg mà thương lái thu mua tại ruộng, tính ra lợi nhuận bắp GMO cao hơn bắp lai 16 triệu đồng/ha.
Một số nông dân khác cũng cho hay nếu tính sơ bộ các chi phí thuốc bảo vệ thực vật, diệt cỏ, công chăm sóc… thì trồng bắp GMO có thể thu lợi nhuận cao hơn bắp lai 20-22 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, nông dân cho biết giá bắp giống GMO hiện cao gấp đôi giá bắp giống thông thường. Cụ thể, giá giống GMO khoảng 200.000 đồng/kg trong khi giá giống bắp thường chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại việc cho trồng cây GMO sẽ khiến nông dân phụ thuộc vào một số công ty sản xuất giống ngoại.
Hãy để nông dân lựa chọn
Ông Tôn Hồng Tân, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Tân Châu (An Giang), cho hay bên cạnh lợi thế về chi phí thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, giống bắp GMO có đặc điểm chịu được thuốc trừ cỏ gốc glyphosate nên khi phun, nông dân có thể phun trực tiếp lên cây bắp mà không ảnh hưởng đến cây.
GS Võ Tòng Xuân cho rằng cây trồng GMO là một tiến bộ của khoa học thế giới, có thể giúp Việt Nam nâng cao năng suất cây trồng, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
“Việc cây trồng GMO, mà cụ thể là bắp đã được cho trồng thương mại tại Việt Nam hãy cứ để nông dân quyết định. Bởi người nông dân sẽ lựa chọn những sản phẩm mà nó đem lại lợi ích kinh tế cao nhất cho chính họ. Điều này cũng có nghĩa cây trồng nào không hiệu quả, người dân sẽ loại bỏ để trồng cây khác” - GS Xuân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo GS Xuân, ở Việt Nam giống bắp lai ở nhiều vùng trồng năng suất ngang ngửa bắp GMO. Vì vậy những nơi nào nông dân trồng bắp bị thiệt hại lớn do sâu đục thân gây ra thì nên trồng giống bắp GMO kháng loại sâu này, còn địa phương nào không bị ảnh hưởng thì vẫn có thể trồng bắp lai vì giá giống bắp lai rẻ hơn.
Theo ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, việc đưa giống bắp GMO vào sản xuất đại trà chỉ làm phong phú thêm bộ giống đang sản xuất ở Việt Nam hiện nay để người nông dân có thêm sự lựa chọn chứ không phải là biện pháp thay thế. Do đó người dân cần dựa trên điều kiện đất đai, khí hậu vùng đất nơi sản xuất, nhu cầu thực tế, năng lực tài chính để lựa chọn các loại giống phù hợp.
Về phía người tiêu dùng, ông Xô cho rằng cần minh bạch các thông tin liên quan đến GMO. Chẳng hạn, buộc phải dán nhãn nguồn gốc GMO lên sản phẩm để người dân, người tiêu dùng có quyền tự do lựa chọn.
Việt Nam đã dùng thực phẩm GMO từ lâu Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn bắp, đậu nành và khô dầu đậu nành từ Mỹ, Brazil, Argentina... về để chế biến thức ăn gia súc và làm thực phẩm, đó toàn là thực phẩm GMO. Phần lớn đậu nành nhập khẩu về Việt Nam để chế biến dầu ăn, nước đậu nành hay đậu phụ cũng toàn là hàng GMO. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong tám tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu hơn 4 triệu tấn bắp, giá trị nhập khẩu đạt 939 triệu USD, tăng 43% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Từ tháng 3-2015, các giống bắp của Dekald (Monsanto) và Syngenta đã được cấp phép trồng phổ biến tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT ủng hộ cây trồng GMO để giảm lượng bắp nhập khẩu rất lớn. Hiện nay trên thế giới đã có 28 quốc gia cho phép trồng cây GMO (chủ yếu là đậu nành, bắp và cây bông) và mới đây Việt Nam là quốc gia thứ 29 cho phép trồng cây bắp GMO. Có khoảng 100 quốc gia đang sử dụng sản phẩm từ cây trồng GMO trong chăn nuôi cũng như thức ăn. Tại châu Âu, những sản phẩm GMO được phép lưu hành trên thị trường nhưng buộc phải dán nhãn đề rõ nguồn gốc xuất xứ. |