Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cho biết mấy năm trước các phương tiện truyền thông Nhật đã đồng loạt đưa tin phát hiện chất biến đổi gen trong bánh phở làm từ gạo của một công ty Việt Nam. May mắn sau đó khi kiểm tra lại thì công ty này sử dụng bột gạo từ Trung Quốc. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, trái cây tuyệt đối không cho phép giống GMO đưa vào trồng dưới mọi hình thức. Nếu để lây nhiễm gen GMO thì cả ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Bài học từ nước Úc và Canada là ví dụ. Úc đã cho phép trồng cải dầu GMO và họ đang bị mất thị trường xuất khẩu. Người nông dân không canh tác cây GMO cũng bị ảnh hưởng. Giá đầu ra giảm, trong khi nông dân phải chi nhiều hơn để thiết lập hệ thống phân biệt gen, vùng đệm chống lây nhiễm chéo, lưu trữ, vận chuyển riêng biệt để cố gắng giữ được thị trường không GMO. Thậm chí sau chừng đó biện pháp, vẫn có nguy cơ ô nhiễm gen. Canada cũng đã thiệt hại khi thị trường EU ngừng nhập khẩu, buộc nước này phải xuất sang Trung Quốc với giá rẻ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù chỉ là sản phẩm gián tiếp nhưng nếu không kiểm soát cũng rất dễ dính GMO. Hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, chuỗi giá trị bền vững của nhà nhập khẩu đưa ra thì mới được xuất khẩu, trong đó có tiêu chí không sử dụng thức ăn có chứa GMO. Hiệp hội cũng đã lưu ý với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu kiểm soát nguyên liệu đầu vào, ký hợp đồng cam kết mua nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi không có chất GMO.