Ngày 15-6, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại Quốc hội về việc phục hồi kinh tế hậu COVID-19. ông cho rằng cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất, kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đặc biệt là Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19.
Nhận thức về dịch
Ông phát biểu: Ngày 1-1, có người nhiễm virus đầu tiên chết ở Trung Quốc. Ngày 25-1, có 1.000 người nhiễm ở Trung Quốc và ngày 28-1 có 100 người chết.
Lúc đó thế giới chưa biết đặt tên virus là gì.
Đến ngày 1-2, Trung Quốc có 12.000 người nhiễm, 1.000 người chết. WHO công bố virus Corona là nguy cơ dịch toàn cầu nhưng khuyến cáo chưa phải hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Đến tháng 3, các nước EU, Singapore vẫn tranh luận có cần đeo khẩu trang hay không và cuối cùng cho rằng chưa cần đeo. Ngày 11-3, WHO công bố đại dịch toàn cầu, lúc đó có 117 nước có ca nhiễm với 118.000 người nhiễm, 4.240 người chết.
Tức bình quân một nước có 1.000 người nhiễm vào thời điểm dịch toàn cầu và có 37 người chết. Thời điểm này, tổng thống Mỹ cũng coi dịch không phải là vấn đề quan trọng với Mỹ. Như vậy, trong ba tháng đầu năm 2020, thế giới trải qua giai đoạn “một chưa” và “ba không”, đó là “chưa biết và không cần đeo khẩu trang, không cần hạn chế đi lại giữa các nước, không cần hạn chế đi lại, tiếp xúc, đóng trường học trong mỗi quốc gia”.
Dịch bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 2, tháng 3, EU vào các tháng 3-5, Bắc Mỹ trong tháng 5-6..., còn châu Phi chưa biết khi nào có dịch lớn.
Sau sáu tháng dịch toàn cầu, có thể rút ra bốn nhận thức về quy luật lây nhiễm và phát triển dịch. Đó là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng và phải thực hiện cách ly triệt để.
Giai đoạn 1 lây nhiễm tăng chậm, 30 ngày mới có 100 người nhiễm và các quốc gia không sợ. Giai đoạn 2 từ 1.000 đến 32.000 người nhiễm chỉ trong 15-30 ngày, các quốc gia sợ.
Hiện nay thế giới trạng thái nhiễm và có dịch có thể chia các quốc gia thành bốn loại.
Các nước ở giai đoạn 2 tăng tốc lây nhiễm như Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ... và chưa chuyển giai đoạn. Nhóm 2 là các nước ở giai đoạn 3, tức có ca nhiễm tăng cao đạt đỉnh và giảm dần như Đức, Pháp, Ý... nhưng chưa an toàn. Nhóm 3 là các nước đạt an toàn, bình quân dưới 10 người nhiễm/1 triệu dân như Lào, Campuchia. Nhóm 4 là những nước chưa bao giờ đạt ngưỡng 1.000 ca nhiễm/1 triệu dân, tức an toàn từ đầu như Việt Nam, Myanmar.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phát biểu tại Quốc hội về phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Ảnh: TTXVN
Việt Nam đã làm gì?
Ngay từ tháng 1, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo từ bài học của phòng, chống dịch SARS là giám sát chặt diễn biến dịch ở Trung Quốc để có biện pháp phòng ngừa. Sau tháng 2 chúng ta thảo luận có đi học lại hay không. Lúc đó Bộ GD&ĐT không có chỉ đạo đi học lại, các địa phương tự quyết định. Ngày 31-1, TP.HCM quyết định cho nghỉ học nhưng nghỉ bao lâu chưa rõ. TP.HCM quyết định nghỉ hết tháng 2 và kiến nghị nghỉ hết tháng 3.
Vấn đề thứ hai thảo luận là cách ly người lây nhiễm thế nào. Ngày 8-2, TP.HCM quyết định cách ly tất cả người lây nhiễm từ F0 đến F2. Bình quân một người F0 TP.HCM cách ly 280 người. Toàn quốc tới ngày 31-3 công bố cách ly triệt để, sử dụng quân đội tham gia.
Ở Việt Nam có đeo khẩu trang hay không ta cũng thảo luận, vì nếu đeo đầy đủ sẽ không đủ khẩu trang. Sau đó, tới ngày 16-3 TP.HCM quyết định đi đặt khẩu trang cho đủ. Toàn quốc đeo khẩu trang từ ngày 1-4. Ngày 22-3, TP.HCM hạn chế đi lại, những thứ không cần thiết thì không triển khai.
Tóm lại, do chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.
Và bây giờ ta nên làm gì?
Chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ đối tác quan trọng nhất. Những nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thỏa thuận hai bên.
Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hong Kong, Đức, Úc… Như vậy ta cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này.
Bảy nước khác chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay. Ta có dự báo cần quan tâm là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 15% và du lịch giảm 50%, cần có điều chỉnh phù hợp.
Với kết quả chống dịch của Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với ba tiêu chí. Một là tỉ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá năm người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân). Hai là tỉ lệ người đang điều trị không quá một người trên 1 triệu dân (hiện Việt Nam chỉ có 0,2 người) và thứ ba là không có người chết. Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị chín giải pháp tiếp theo, kiến nghị sẽ gửi tới các đại biểu Quốc hội sau.
Tóm lại, chúng ta cần có lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy sức mạnh của Việt Nam là văn hóa, chính trị, kinh tế.