Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều tăng mạnh lãi suất cơ bản, gây áp lực lên lãi suất của Việt Nam. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Duy Tùng và TS Chu Thanh Tuấn, hai chuyên gia kinh tế đến từ Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá: “Lãi suất Việt Nam sẽ khó tăng mạnh từ đây đến cuối năm”.
|
Việt Nam duy trì lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: PM |
Nhiều áp lực với lãi suất
. Phóng viên: Lãi suất cơ bản của Việt Nam vẫn duy trì ở mức khá thấp, trong khi Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang tăng lãi suất rất mạnh. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
|
+ TS Bùi Duy Tùng (ảnh): Hiện lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 4% năm và chưa có dấu hiệu tăng. Có một số nguyên nhân giải thích cho động thái này.
Thứ nhất, lạm phát tại Việt Nam có độ trễ so với các quốc gia khác trên thế giới và nguyên nhân lạm phát ở nước ta chủ yếu do chi phí đẩy đến từ xăng dầu, giao thông… tăng cao chứ không phải do yếu tố tiền tệ. Để đối phó với lạm phát gây ra bởi chi phí đẩy, NHNN đang thận trọng trong việc áp dụng chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, tiền đồng của Việt Nam chưa có dấu hiệu mất giá nhanh như nhiều nước nên chính sách tăng lãi suất còn đang được cân nhắc. Thứ ba, việc không nới room (hạn mức) tín dụng trong thời gian qua đã làm cho tăng trưởng tín dụng chậm lại. Điều này khiến thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tốt hơn, giảm áp lực cho lãi suất.
Thứ tư, NHNN đã thực hiện liên tục các nghiệp vụ thị trường mở đối với tín phiếu Kho bạc Nhà nước để giúp ổn định lãi suất liên ngân hàng. Tuy nhiên, nếu áp lực mất giá tiền đồng và lạm phát trở nên mạnh hơn, lãi suất có thể sẽ tăng trong giai đoạn tới.
. Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm nay và năm sau. Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao hơn hoặc sẽ làm gia tăng rủi ro bất ổn tài chính. Điều này tác động ra sao đến lãi suất?
|
+ TS Chu Thanh Tuấn (ảnh): Trước tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động như xung đột Nga - Ukraine, giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ... sẽ tác động tới Việt Nam.
Nó có thể gây ra những rủi ro đối với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa vốn mới chỉ diễn ra được một thời gian ngắn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Nhưng lạm phát hiện tại ở Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, không phải do yếu tố tiền tệ nên nếu NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng. Đồng thời, việc NHNN siết dòng tín dụng vào bất động sản, không cấp room tín dụng cho các ngân hàng… đã làm cho tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ nên cân nhắc sử dụng chính sách tài khóa. Cụ thể là giảm thuế, đặc biệt là thuế xăng dầu do giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hóa tăng giá theo.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nên cân nhắc việc siết dòng tín dụng vào bất động sản. Bài học từ Trung Quốc cho thấy khi bóp nghẹt tín dụng bất động sản dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Thậm chí nó có thể làm tê liệt thị trường này.
Hiện nay, nếu tăng lãi suất có thể làm kinh tế suy thoái mà lại không cứu được lạm phát, vì lạm phát ở Việt Nam không phải do yếu tố tiền tệ.
Tăng lãi suất chưa hẳn là bài thuốc tốt
. Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tác động ra sao đến lãi suất trong thời gian tới, thưa ông?
+ TS Chu Thanh Tuấn: Hiện Việt Nam đang tập trung khôi phục kinh tế gắn liền kiểm soát lạm phát, chủ động trong nguồn cung lương thực, thực phẩm… nên chỉ số lạm phát bình quân chỉ tăng 2,44% trong sáu tháng đầu năm, trong khi lạm phát toàn cầu gia tăng mạnh.
Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để giữ lãi suất ở mức thấp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau dịch COVID-19 nên việc mặt bằng lãi suất tăng lên ở các nước sẽ không tác động quá nhiều đến lãi suất trong nước.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng áp lực lên lãi suất tiền đồng trong thời gian tới là không lớn, vì không có sự liên thông rõ ràng giữa lãi suất USD trên thị trường quốc tế với lãi suất tiền đồng trong nước.
Công cụ lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn dư địa. Dư địa về lãi suất vẫn còn có thể tăng lên, dư địa về lạm phát đặt ra năm nay là 4% và trong trường hợp lạm phát nhích lên 5% thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Điều hành lãi suất, tỉ giá hợp lý
Phát biểu tại buổi làm việc của Chính phủ chiều 30-7 bàn các giải pháp về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Lãi suất điều hành trên thế giới đang tăng rất mạnh, đến nay đã có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm.
Thời gian vừa rồi, lãi suất đang chịu áp lực tăng. Tín dụng bảy tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ. Vừa rồi, NHNN phải điều tiết lãi suất ngắn hạn cũng như là tiền tệ phù hợp, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối.
Thời gian tới, NHNN sẽ theo sát diễn biến để kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn với liều lượng hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, tuy nhiên khi thị trường cải thiện sẽ điều tiết và có thể tiếp tục mua.
. Ông có cho rằng lãi suất Việt Nam sẽ khó tăng mạnh từ đây cho đến cuối năm?
+ TS Chu Thanh Tuấn: Như đã phân tích ở trên, tôi cho rằng lãi suất sẽ khó tăng mạnh từ đây cho đến cuối năm nay. Bởi lạm phát tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp so với thế giới. Hơn nữa tăng lãi suất không thật sự là một liều thuốc chữa lạm phát hữu hiệu ở Việt Nam trong thời điểm này.
Lãi suất tăng sẽ làm suy yếu hoạt động vay sản xuất và tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến các thị trường nhà ở, thị trường chứng khoán, đe dọa nguy cơ đình lạm (vừa lạm phát vừa đình trệ kinh tế). Nói cách khác, tăng lãi suất có thể làm kinh tế suy thoái, không “cứu” được lạm phát mà còn gây phản ứng phụ.
Cần lưu ý, Chính phủ và NHNN đã cam kết ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Do vậy lãi suất khó tăng mạnh nhưng có thể sẽ tăng nhẹ để đưa nền kinh tế quay lại chu kỳ tăng trưởng.
. Xin cám ơn hai ông.
Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư
. Ông có cho rằng nếu lãi suất ở Việt Nam duy trì ở mức thấp, thiếu hấp dẫn sẽ dẫn đến dòng vốn ngoại rút ra khỏi thị trường?
+ TS Chu Thanh Tuấn: Việc Mỹ cũng như các ngân hàng trung ương của các nước phát triển tăng lãi suất làm cho một số nhà đầu tư e ngại rủi ro. Từ đó họ rút vốn từ các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm “trú ẩn rủi ro” và hưởng lãi suất cao hơn trước.
Thực tế, khối nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, dù triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. Song dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ thị trường tài chính.
Vì vậy, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm đến đầu tư của các công ty đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất. Lý do là Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.