Ngày 16-9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm việc với VCCI và một số hiệp hội doanh nghiệp góp ý Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm, doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc với chi phí lớn.
“Áp dụng giờ làm việc 44 giờ/tuần, doanh nghiệp da giày sẽ phải tuyển dụng thêm 10% lao động, trong khi đó lao động ngành này đang rất thiếu hụt. Thực tế hiện nay các nhà máy da giày đang phải sử dụng cả lao động 50 tuổi do không thể tuyển dụng được lao động” - bà Xuân nói.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu chỉ đạo tại buổi đối thoại. Ảnh: VL
Theo bà Xuân, với quy định thời gian làm việc như hiện hành là 48 giờ/tuần nhưng sức khỏe, tuổi thọ của người lao động vẫn đang tăng lên. Nếu giảm giờ sẽ làm giảm thu nhập cho người lao động. Trong bối cảnh tiền lương còn thấp, bà Xuân đặt ra câu hỏi: Nếu giảm giờ làm việc, liệu người lao động có dành thời gian đó để tái tạo sức lao động? Hay sẽ làm thêm như chạy Grab, làm giúp việc... để có thêm thu nhập.
Cũng đặt vấn đề rút ngắn thời gian làm việc là chưa phù hợp, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, khẳng định tiền lương từ năm 2011 đến nay đã tăng gấp ba lần, Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề..., xuất khẩu đang gặp khó khăn để cạnh tranh với các nước khác. Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ/tuần rất có thể các đơn hàng sẽ chuyển sang các nước khác.
Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 600 giờ/năm. Nguyên nhân, nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất theo thời vụ đáp ứng được các đơn hàng.
Liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ không đưa đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn dưới 44 giờ/tuần vào dự luật. Đồng thời, đề nghị trước mắt giữ nguyên quy định giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần.
Đối với quy định tăng giờ làm việc tối đa, ông Đào Ngọc Dung cũng khẳng định sẽ tiếp tục đề xuất tăng giờ làm việc tối đa lên 400 giờ/năm nhưng đối với các trường hợp đặc biệt. Cụ thể, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản…
Được biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào tháng 10), Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi) này.