“Trong khi tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm thì tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm lại gia tăng tại Việt Nam (từ 40% vào năm 1986, lên 71,6% vào năm 2012). Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng "kép" về bệnh tật” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp bởi tất cả nguyên nhân. Trong đó đứng đầu là tử vong do bệnh tim mạch, sau đó là các bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh đường hô hấp mạn tính.
Nguyên nhân dẫn tới tăng vọt bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam theo kết quả điều tra trong thời gian gần đây bắt nguồn từ việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá của người dân còn khá phổ biến.
Ông Long cũng cho rằng sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng.
“Chính vì lý do trên, năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố “Bệnh không lây nhiễm là vấn đề ưu tiên của toàn cầu và khu vực, bệnh không lây nhiễm là khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Thái Bình Dương” - ông Long nhấn mạnh.
Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất năm suất rau, trái cây (khoảng 400 g) hằng ngày để phòng bệnh ung thư, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác, thì kết quả điều tra cho thấy hơn 57% dân số trưởng thành tại Việt Nam ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo. Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc sử dụng thiếu rau và trái cây, đồng nghĩa với việc thiếu chất xơ sẽ gây nhiều tác hại cho cơ thể, đặc biệt là thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, gần 1/3 dân số Việt Nam lười vận động so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương) khiến bệnh béo phì, tim mạch “hoành hành”.
Ngoài những vấn đề trên, các yếu tố như việc người dân Việt Nam sử dụng muối cao gần gấp đôi mức khuyến cáo của WHO, tỉ lệ thừa cân béo phì, tăng đường huyết, tăng cholesterol trong máu... cũng “góp phần” làm nhiều căn bệnh không lây nhiễm gia tăng.
Ông Lokky Wai, trưởng đại diện Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tại VN, cho hay bệnh không lây nhiễm không chỉ là vấn đề ở Việt Nam, mà còn là gánh nặng trên toàn cầu. Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 16.000 người ở lứa tuổi từ 30 đến 70 tử vong vì bệnh không lây nhiễm.