Việt Nam đối mặt với nguy cơ 'già trước khi giàu'

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011 với 10,1% dân số là người cao tuổi, tỉ lệ này tăng lên 13,3% dân số năm 2020. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết như trên tại hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, diễn ra vào sáng 20-8.

Người lao động trước nguy cơ bị gạt khỏi nền kinh tế toàn cầu

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động tích cực trong dài hạn nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn. Xu thế này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cầu lao động khi cơ cấu việc làm và yêu cầu về kỹ năng trình độ sẽ thay đổi nhanh chóng. Nếu cung lao động không đáp ứng kịp thời, người lao động trong nước có thể bị gạt ra ngoài lề của nền kinh tế toàn cầu mới.

Trên cơ sở đó, ông Đào Ngọc Dung cho rằng cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ngành giáo dục cần làm tốt phân luồng học sinh sau trung học. Song song đó sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ miễn học phí giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn cho phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Góp ý thẳng thắn với Chính phủ, Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định Việt Nam có lực lượng lao động với kỹ năng chưa cao, điều này được thể hiện rõ ở bảng xếp hạng của thế giới khi chỉ đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp.

Cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam năm 2019 cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động Việt Nam.

Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, chỉ rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc giáo dục cao học. Tỉ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26,8%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình.

Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng tám năm. “Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác…” - đại diện WB nhận định.

Trên cơ sở đó, WB cho rằng Việt Nam cần cải thiện hệ thống lao động để số lượng lao động tốt nghiệp cao học cao hơn, đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng. Cần tương tác với doanh nghiệp để tham gia vào quá trình đào tạo nghề, tăng cường mối quan hệ liên kết với doanh nghiệp trong thiết kế chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Cùng nhận định, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng thị trường lao động Việt Nam cơ bản chưa bắt kịp được các chuẩn mực kinh tế thị trường một cách linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả.

Để thị trường lao động đạt được năm yếu tố trên cần vận hành hiệu quả thị trường vốn, đất đai, hàng hoá, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu rào cản với người lao động.

Tận dụng thời cơ dân số vàng

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nền kinh tế trong nước đang trong quá trình chuyển đổi, có nhiều vấn đề đặt ra nhưng không thể giải quyết được ngay, đó là tất yếu của quá trình phát triển. Ông cho rằng cần tiếp tục đi tìm lời giải cho những câu hỏi vẫn đang là trăn trở của nhiều người.

“Đó là vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác?...” - Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho rằng thị trường lao động thời gian tới cần nắm bắt nhu cầu, phát triển đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…

Trong nước cần chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động, người sử dụng lao động. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu hiện tại và dự báo tương lai.

Thủ tướng cũng cho rằng cần đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Ngoài ra cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới…” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm