Trong hồ sơ đề nghị sửa Luật Đường sắt vừa trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung vào dự luật quy định trong hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường sắt có sử dụng công nghệ mới phải đưa nội dung về đào tạo vận hành, bảo trì, chuyển giao công nghệ. Đây được đánh giá là nội dung quan trọng để mở đường cho Việt Nam đầu tư và dần tự chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC).
Thu hút tư nhân đầu tư và dần tự chủ công nghệ
Theo Bộ GTVT, hiện công nghiệp đường sắt trong nước chưa phát triển, mới chỉ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa đường sắt hiện hữu; chưa có định hướng mang tầm chiến lược lâu dài để phát triển. Thời gian qua, một số dự án đầu tư xây dựng mới đường sắt đô thị được triển khai, có dự án đã đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp (DN) trong nước hầu như chưa được thực hiện, dẫn đến công nghiệp đường sắt trong nước cơ bản không có sự thay đổi, phát triển qua nhiều năm.
Lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ
Xác định chính sách trên của Bộ GTVT là nội dung lớn, Văn phòng Chính phủ hiện đã phát phiếu lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ đối với nội dung này theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất đưa vào dự luật quy định sản phẩm công nghiệp đường sắt có tính đặc thù như thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, vật tư đặc chủng (ray, ghi, phụ kiện) là sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; quy định về cơ chế, tiêu chí đặt hàng, giao nhiệm vụ cho tổ chức, DN trong nước thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định trong hợp đồng dự án đầu tư xây dựng đường sắt có sử dụng công nghệ mới phải đưa nội dung về đào tạo vận hành, bảo trì, chuyển giao công nghệ. Chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm này được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao...
“Theo tính toán, riêng chi xây dựng cơ sở hạ tầng của tuyến đường sắt khoảng 45 tỉ USD, đánh giá sơ bộ cho thấy các DN trong nước cơ bản đủ năng lực thực hiện phần xây dựng kết cấu hạ tầng với giá trị lên đến khoảng 30 tỉ USD (vật tư, vật liệu trong nước có thể sản xuất khoảng 25 tỉ USD), tạo ra thị trường lớn về sản xuất vật liệu, xây dựng... Đối với DN, chính sách trên giúp các DN trong nước có cơ hội nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, làm chủ phần vận hành, bảo trì và nội địa hóa lên 30%-40% đóng mới toa xe; tạo nên động lực quan trọng để các DN cơ khí trong nước phát triển…” - Bộ GTVT nhận định.
Ràng buộc chuyển giao công nghệ phải đặt lên hàng đầu
TS Trần Việt Hùng, Tổng hội Cơ khí Việt Nam, cho rằng để chuẩn bị cho đầu tư ĐSTĐC việc chủ động phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực ngành công nghiệp đường sắt là những yếu tố quyết định tới tính hiệu quả, bền vững và thành công của dự án.
Tuy nhiên, TS Trần Việt Hùng cho rằng Nhà nước cần xây dựng lộ trình cho ngành công nghiệp đường sắt. Cụ thể, trước mắt cần đầu tư nâng cao năng lực chế tạo hai nhà máy Gia Lâm (phía Bắc) và Dĩ An (phía Nam) đủ sức chế tạo khoảng 20% chi tiết, thiết bị ĐSTĐC. Sau đó, liên minh các nhà thầu cung cấp thiết bị cho ĐSTĐC đủ khả năng chế tạo trong nước, cung cấp phụ tùng thiết bị chiếm khoảng 50% tổng giá trị phần thiết bị của dự án.
“Tóm lại, nếu chúng ta quyết tâm làm ĐSTĐC thì việc đầu tiên Nhà nước cần làm là chỉ đạo các cơ quan chức năng lên dự toán và kế hoạch phân bổ các khoản ngân sách chi cho việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực chế tạo của ngành công nghiệp đường sắt phục vụ cho dự án ĐSTĐC. Những việc này cần tiến hành song song hoặc trước một bước so với việc triển khai các dự án ĐSTĐC” - TS Trần Việt Hùng cho hay.
Một chuyên gia giao thông cũng đồng tình với các đề xuất của ban soạn thảo. Theo vị này, hiện chỉ có bốn nước tự phát triển, làm chủ hoàn toàn công nghệ ĐSTĐC đó là Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý. Ba nước nhận chuyển giao và tiến tới làm chủ là Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha. Số quốc gia còn lại nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ vận hành, bảo trì, đặt mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước. Vì vậy, chuyên gia này nhấn mạnh: “Để đạt mục tiêu phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam thì vấn đề chuyển giao công nghệ phải đặt lên hàng đầu”.
Theo chuyên gia này, một tấm gương rất đáng để Việt Nam học hỏi trong việc chuyển giao công nghệ là Hàn Quốc. Họ bắt tay với Pháp bằng việc ký kết hỗ trợ đào tạo đội ngũ kỹ sư và nhận chuyển giao công nghệ. Với sự phối hợp này, Hàn Quốc đã cho ra đời tàu cao tốc KTX, sản xuất theo công nghệ tàu cao tốc của Pháp. Hay như Tây Ban Nha đã sử dụng công nghệ nước ngoài cho tuyến đường sắt đầu tiên (phần phương tiện của Pháp, thông tin tín hiệu của Đức; khung tiêu chuẩn, kỹ thuật của châu Âu). Sau 10 năm, Tây Ban Nha đã làm chủ công nghệ ĐSTĐC và đến nay đã xuất khẩu, chuyển giao sang nhiều nước.
“Để tạo môi trường thuận lợi trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có những tiêu chí, nguyên tắc ràng buộc trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp” - chuyên gia này khẳng định.•
Chỉ nhập khẩu những thiết bị Việt Nam không có khả năng làm
Mới đây, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ĐSTĐC Bắc - Nam khuyến nghị Việt Nam chỉ nhập khẩu các vật liệu, thiết bị mà chưa tự mình sản xuất được. Đối với công nghệ xây dựng cầu, hầm, nhà ga… “các DN xây dựng Việt Nam hoàn toàn làm chủ được”.