Việt Nam ở đâu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Năm 2015, lúc ông Trump ra ứng cử với slogan "Make America great again" ông đã chỉ đích danh Trung Quốc (TQ) là thủ phạm cướp đi công ăn việc làm của dân Mỹ tới 21 lần trong các bài diễn văn. Điều này không chỉ đúng với Mỹ mà còn đúng với nhiều nước phát triển khác.  

Việc chính quyền ông Trump sẽ và đang tăng thuế với khoảng 33% hàng hóa nhập khẩu từ TQ là một hành động rất quyết đoán. Quá trình áp thuế của Mỹ và trả đũa của TQ giống hệt như chơi poker, tức là Mỹ sẽ  áp thuế (tố tiền) từng đợt một và chờ TQ có theo hay tố thêm không. Hai quân bài giấu kín của hai bên đó chính là sự ủng hộ của giới tài phiệt, sự ổn định chính trị và kinh tế của mỗi bên.

Trước những cuộc chiến như thế này, hai bên đều có sự chuẩn bị về đồng minh cũng như các vệ tinh. Để đối phó với ngày hôm nay, từ khá lâu TQ đã:

+ Bỏ ra hơn 900 tỉ USD để xây dựng vành đai kinh tế theo mô hình con đường tơ lụa gồm 60 nước tham gia.

+ Phát triển giáo dục, đã có nhiều trường ĐH của TQ vào tốp thế giới.

+ Xây dựng chiến lược sản xuất "Made in China 2025" nhằm tới 40% vào năm 2020 và 70% các thành phần cốt lõi của các sản phẩm là nội địa dựa trên các ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong khi đó, có vẻ như sự chuẩn bị của Mỹ còn khá sơ sài do sự thay đổi các chính sách đối ngoại giữa các đời tổng thống thiếu tính kế thừa. Tuy vậy, Mỹ có những lợi thế như sau:

+ Sức mạnh mang tính toàn cầu của đồng USD.

+ Nắm giữ nhiều công nghệ đột phá.

+ Thị trường tài chính khá minh bạch, nền sản xuất cao vẫn đứng đầu thế giới.

Điều khiến nhiều nhà kinh tế và người dân quan tâm là cuộc chiến giữa hai ông lớn này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các nước đang phát triển như Việt Nam (VN) chúng ta? Nó sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức nào?

Thách thức:

- Khi hàng TQ bị áp thuế cao, chắc chắn TQ phải “nhồi nhét” số hàng không xuất được sang Mỹ cho các thị trường đang phát triển, trong đó có VN. Khi đó nhập siêu của các nước này sẽ tăng, sản xuất trong nước vốn mong manh càng mong manh hơn.

- TQ là thị trường xuất khẩu nguyên liệu lớn của VN, bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch. Nền sản xuất TQ đình trệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của VN, nhất là mảng tiểu ngạch.

- Kinh tế nội địa TQ suy thoái do chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến bất ổn nội địa (thất nghiệp, nợ công...) khiến nước này có thể sẽ hung hăng hơn trong chính sách đối ngoại nhằm lái dư luận trong nước như họ đã từng làm với các nước láng giềng.

- Khi có những biến động lớn như thế này, các dòng vốn lớn sẽ ngừng chảy về những thị trường liên quan, trong đó có VN.

Cơ hội:

- Mỹ cần những quốc gia có khả năng cung cấp các mặt hàng áp thuế trừng phạt TQ.

- TQ cần những quốc gia để đầu tư sản xuất nhằm tránh thuế Mỹ.

Như vậy, nếu có chính sách khôn khéo và mềm mỏng, VN có thể đón nhận cả hai dòng vốn từ hai ông lớn này.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm