Mới đây, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cùng Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) và đối tác Straits Financial (Singapore) - một doanh nghiệp kho vận đại chúng niêm yết lớn nhất ở Đông Nam Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác.
Theo đó, VNX là đơn vị chủ trì xây dựng quy chế hoạt động sàn giao dịch cao su, cà phê... dự kiến sàn đi vào hoạt động trong tháng 10, 11 năm nay.
Giảm thiểu rủi ro
Sàn giao dịch này sẽ hoạt động theo hình thức đấu giá, nghĩa là hệ thống giao dịch thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán của khách hàng tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc xác định giá sẽ theo mức giá thực hiện đạt được khối lượng giao dịch lớn nhất. Sàn giao dịch sẽ hoạt động từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần.
Nhiều ý kiến đánh giá việc ra đời sàn giao dịch này hứa hẹn sẽ mang lại luồng gió mới cho thị trường hàng hóa Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Phương, Tổng Giám đốc VNX, nói việc mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là một hoạt động thương mại hiện đại.
“Việc tham gia giao dịch hàng hóa qua sàn sẽ giúp doanh nghiệp, người nông dân có được công cụ bảo hiểm nhằm giảm thiểu được các rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như sự rớt giá hay biến động của cà phê, cao su, thép, xăng dầu, bông sợi…” - ông Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thông qua sở giao dịch hàng hóa, các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng cà phê, cao su, thép theo từng chủng loại và từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.
Một mô hình sàn hiện đại đấu giá các mặt hàng cao su, cà phê, sắt, thép... dự kiến sẽ ra mắt chính thức trong tháng 10 năm nay. Trong ảnh: Sàn giao dịch cà phê tại Đắk Lắk hoạt động còn èo uột. Ảnh: TL
Nên làm như sàn chứng khoán
Mặc dù nhu cầu và lợi ích về sàn giao dịch hàng hóa theo mô hình hiện đại là rất lớn nhưng đến nay sàn giao dịch hàng hóa vẫn chưa thực sự sôi động. Trước đây, Bộ Công Thương đã từng cấp phép hoạt động cho hai sở giao dịch hàng hóa là VNX và Info. Đáng tiếc là sau hơn năm năm kể từ ngày ra đời đến nay chỉ còn VNX duy trì hoạt động.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng phần lớn nhà sản xuất, nhà đầu tư vẫn chưa quen với loại hình mua bán trên sàn. Tập quán kinh doanh của người nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện các giao dịch truyền thống như mua bán giao ngay, trực tiếp với các thương lái hơn là giao dịch tập trung qua sở giao dịch hàng hóa.
Các doanh nghiệp bị hạn chế về vốn, thường phải ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng với tài sản thế chấp là sản lượng nông sản. Điều này khiến cho doanh nghiệp không chủ động được về nguồn hàng khi tham gia giao dịch qua sàn.
Đặc biệt, hiện nay chưa có cơ chế liên thông giữa sàn Việt Nam với sàn thế giới. Hoạt động của các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chỉ dừng lại ở việc tổ chức các hoạt động giao dịch hàng hóa tương lai trong nước.
Từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề xuất để sàn giao dịch hàng hóa có thể đi vào hoạt động hiệu quả thì cần hoàn thiện một số cơ sở pháp lý. Ví dụ Nhà nước cho phép sàn giao dịch hàng hóa của Việt Nam được kết nối với sàn giao dịch quốc tế; cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia và các quy định giao dịch hàng hóa tương lai phù hợp với loại hình này, tương tự như các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là điều mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực hiện.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho rằng bản chất hàng hóa khi lên sàn là đấu giá công khai, không ai ép giá ai mà sẽ đưa giá hàng hóa ở mức cao nhất theo thị trường. Tuy vậy, hiện nay cơ chế hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa ở Việt Nam chưa hình thành rõ ràng nên bản thân các doanh nghiệp vẫn băn khoăn về hiệu quả kinh doanh khi tham giao sàn giao dịch.
Mặt khác, khi tham gia sàn giao dịch, các doanh nghiệp phải bỏ ra một chi phí khá lớn đầu tư kho bãi nên họ không hứng thú tham gia.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần một cơ chế chính sách rõ ràng, sát thực tế từ cơ quan quản lý nhà nước mới đủ tự tin tham gia sàn giao dịch trong nước. Nên chăng chúng ta vận dụng mô hình sàn hàng hóa như một số nước như Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Anh đang làm” - ông Nam kiến nghị.
Bỏ cơ chế xin-cho Bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng phòng Quản lý hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006 quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung quy định mở rộng phạm vi loại hàng hóa được đưa lên sàn giao dịch thay vì bó hẹp một số mặt hàng như trước kia (cao su, cà phê, thép); bỏ điều kiện vốn điều lệ khi xin cấp phép lập sàn giao dịch (hiện nay là 150 tỉ đồng). Bên cạnh đó, Bộ đề xuất cần nghiên cứu điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng của sở giao dịch (kho bãi, phần mềm…) có đáp ứng được điều kiện giao dịch hay không. Theo Bộ thì nên tiến tới các sở giao dịch chỉ cần đăng ký mặt hàng giao dịch thay vì cơ chế xin cho mặt hàng như trước đây. Điều kiện làm thành viên giao dịch là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, ngành hàng giao dịch từ hai năm trở lên; có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỉ đồng; có đủ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kết nối giao dịch… |