Việt Nam sẽ tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Pfizer

Đến nay Việt Nam (VN) đã tiếp nhận hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và tiến hành tiêm chủng hơn 17,6 triệu liều, theo thống kê từ cổng thông tin tiêm chủng.

Đảm bảo chất lượng vaccine khi thông quan

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuối năm nay vaccine sẽ về nhiều và dồn dập, do đó công tác chuẩn bị phải hết sức khẩn trương. Trong số vaccine về trong quý IV, có 30 triệu liều vaccine của hãng Pfizer.

Số vaccine 30 triệu liều này nằm trong hợp đồng VN đã ký kết mua 51 triệu liều vaccine Pfizer trong năm 2021, trong đó có 20 triệu liều dành tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. 

Tối 20-8, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Albert Bourla, Chủ tịch Công ty Pfizer, cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho VN, cụ thể ngay trong tháng 8 và 9, thay vì dồn nhiều vào quý IV. Theo đó, VN sẽ nhận thêm một lô vaccine Pfizer trong tuần này (từ ngày 24 đến 29-8).

Để đảm bảo việc bảo quản vaccine trong quá trình vận chuyển tuân thủ theo các quy định, không ảnh hưởng chất lượng vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương vừa có văn bản khẩn đề nghị các cơ quan hữu quan tại TP.HCM xem xét hỗ trợ quá trình thông quan vaccine Comirnaty của hãng Pfizer/BioNTech.

Đảm bảo duy trì nhiệt độ âm sâu theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển đảm bảo thông quan nhanh nhất để không ảnh hưởng nhiệt độ bảo quản, đảm bảo được bổ sung đá khô lạnh trong trường hợp bị hao đá. Nếu phải bổ sung đá khô, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương giao đơn vị vận chuyển chịu trách nhiệm.

Đặc biệt khuyến cáo không mở kiểm thực tế hàng hóa, trừ trường hợp có yêu cầu khẩn cấp đặc biệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp bắt buộc phải mở kiểm tra, cần phải đảm bảo tổng thời gian mở không quá 3 phút.

VN chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp có điều kiện vaccine Pfizer sản xuất tại Bỉ và Đức từ ngày 12-6 vừa qua.

Ngày 23-8, vaccine Pfizer đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn đầy đủ, sử dụng cho người từ 16 tuổi. Đây cũng là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép đầy đủ. Đối với nhóm 12-15 tuổi sẽ tiếp tục sử dụng như giấy phép sử dụng khẩn cấp. Lô hàng Pfizer đầu tiên đã về VN vào đầu tháng 7 và đến nay VN đã nhận hơn 1,2 triệu liều.

Tiêm vaccine cho người dân TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM: Test nhanh 170.000 mẫu vùng cam, vùng đỏ, phát hiện 6.000 mẫu dương tính

Chiều 24-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết chiến dịch xét nghiệm lần này TP.HCM sẽ tập trung xét nghiệm vùng đỏ và vùng cam trước. Theo ông Hưng, số liệu xét nghiệm ngày đầu tiên (ngày 23-8), ngành y tế xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), trong đó phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính. Ông cho rằng đây là tỉ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỉ lệ 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

TÁ LÂM 

Chấn chỉnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, sáng 24-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có công điện gửi Sở Y tế 63 tỉnh, TP yêu cầu chấn chỉnh công tác tiêm chủng.

Quan điểm của Bộ Y tế là nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng với bất kỳ hình thức nào. Đơn vị nào để xảy ra tiêu cực trong việc tiêm chủng vaccine sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Bộ Y tế, kế hoạch triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 giai đoạn 2021-2022, VN tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận bồi dưỡng từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Công văn chấn chỉnh này liên quan đến việc Công an TP.HCM đã điều tra, bắt quả tang Lê Thị Kim Dung khi người này đang đưa hai người khác đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại quận 11 thông qua mối quan hệ cá nhân và lấy giá 2-4 triệu đồng/liều.

Bộ Y tế khẳng định việc này không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP, lãnh đạo các đơn vị được phân công tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện tiêm vaccine đúng đối tượng, kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí.

Tiêm mũi 2 muộn hơn khuyến cáo có phải tiêm lại từ đầu?

VN hiện có năm loại vaccine ngừa COVID-19 đang được tiêm rộng rãi gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Nhà sản xuất các loại vaccine này đều khuyến cáo cần tiêm đủ hai mũi, mỗi loại có thời gian giữa hai mũi khác nhau. Cụ thể: Vaccine AstraZeneca: 8-12 tuần, vaccine Sputnik V: ba tuần, vaccine Pfizer: ba tuần, vaccine Sinopharm: 3-4 tuần và vaccine Moderna: 28 ngày.

Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm vaccine, có nhiều trường hợp dù đã đến hạn tiêm mũi 2 theo quy định nhưng chưa có vaccine, nhiều người lo lắng về khả năng miễn dịch trong trường hợp này.

Theo TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine vì đến nay chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Việc chậm trễ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong một khoảng thời gian nhất định, đến mũi tiêm sau vẫn tiếp tục duy trì hiệu quả của vaccine. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm