Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm thảo luận là đề xuất tăng thuế lên gấp đôi đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao…
Phát biểu về nội dung này, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng văn hoá nước nhà “đang thực sự lâm nguy”.
“Chúng ta đang chứng kiến sự xâm lăng văn hoá, hiện tượng nhập siêu văn hoá, ở đó ảnh hưởng tiêu cực từ các bộ phim, bài hát, lối sống, thậm chí cả suy nghĩ từ nước ngoài đang gặm nhấm, tàn phá tâm hồn người Việt.
Nhiều người cay đắng nói rằng, người Việt chúng ta đang ở đây nhưng tâm hồn, tinh thần thì đã vượt biên, bị thao túng bởi Facebook, YouTube, TikTok hết rồi” - ông Sơn bày tỏ.
Trước quan điểm này, nhiều người Việt dùng mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm cá nhân về việc liệu có thật “tâm hồn người Việt đang bị thao túng?”; làm thế nào để tỉnh táo trước những nội dung đầy tính kích thích trên mạng xã hội.
Tâm lý hiếu kỳ tự nhiên
Chị Phương Trúc (33 tuổi, quê ở TP.HCM) cho rằng quan điểm trên chỉ đúng một phần. Việc người dùng mạng xã hội bị thao túng chủ yếu do thiếu lập trường chưa vững vàng, kỹ năng chọn lọc thông tin chưa cao, cùng với thói quen đuổi theo trào lưu mà ngày nay gọi là “trend”.
“Trên TikTok có nhiều nội dung hấp dẫn, tôi lướt TikTok nhiều khi cũng bị cuốn theo, thậm chí người dùng hay cập nhập tin tức qua TikTok nhiều hơn.
Tôi công nhận mạng xã hội rất dễ bị gây nghiện nên tôi luôn đặt thời gian lên mạng xã hội trong bao lâu, xem những nội dung nào để phù hợp.
Khi xem một trang mạng xã hội, với thao tác liên tục lướt không ngừng, người dùng không biết mình sẽ tìm thấy thông tin gì tiếp theo. Điều này kích thích sự tò mò và thôi thúc người dùng khám phá nhiều hơn. Tôi nghĩ chính tâm lý hiếu kỳ tự nhiên này của con người đang bị thao túng” - chị Trúc cho hay.
Tương tự, anh Quang Tâm (44 tuổi, quê ở Gia Lai) nhấn mạnh rằng việc tâm hồn người Việt có bị thao túng hay không còn phụ thuộc vào từng cá nhân, từng hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.
Anh cho biết mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ, nhưng anh vẫn ý thức được cách tiếp cận thông tin.
“Tôi cũng lo ngại tâm hồn người Việt đang dần bị thao túng bởi các nền tảng như Facebook, YouTube và TikTok. Các xu hướng và nội dung phổ biến trên mạng xã hội có thể dẫn đến sự xa rời các giá trị văn hóa truyền thống, làm suy yếu khả năng tương tác và kết nối trong cuộc sống thực.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thực tế mới đây, phần lớn người Việt Nam vẫn luôn giữ vững tinh thần yêu nước và truyền thống “lá lành đùm lá rách” như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đợt bão số 3 vừa qua” - anh Tâm nói.
Như Ý (TP Thủ Đức) - một người trẻ xem mạng xã hội là không gian chính để giao lưu, học hỏi, giải trí… đồng tình với quan điểm của ĐBQH Sơn. Để ngăn bản thân không bị đắm chìm vào những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội, Như Ý luôn ý thức về giá trị sống mà mình theo đuổi.
“Theo mình, ngoài việc giáo dục nhận thức về giá trị văn hóa, cần thúc đẩy sản xuất nội dung văn hóa Việt Nam trên các nền tảng số. Việc phát triển nội dung văn hóa thuần Việt không chỉ giúp giới trẻ tự hào về nguồn cội của mình mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng gắn kết hơn với những giá trị truyền thống” - Như Ý bày tỏ.
Nên sử dụng mạng xã hội có ý thức và chọn lọc
Nhìn nhận về ý kiến cho rằng “tâm hồn người Việt đang bị mạng xã hội thao túng”, Tiến sĩ Đặng Hoài Giang, Giảng viên khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang rơi vào tình trạng sử dụng mạng xã hội một cách không kiểm soát. Mạng xã hội trở thành thế giới riêng của họ, khiến họ dành phần lớn thời gian cho các nền tảng này mà quên đi những giá trị thiết yếu trong cuộc sống thực.
Theo TS Giang, việc lạm dụng mạng xã hội gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, đặc biệt là sự suy giảm khả năng tương tác và kết nối với gia đình, bạn bè và xã hội. Thói quen cuốn vào thế giới ảo làm mất đi kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu và cảm nhận thực tế, khiến nhiều người không còn khả năng quan sát, phản ánh cuộc sống một cách sâu sắc.
Cạnh đó, việc liên tục chạy theo các xu hướng vô tình có thể khiến người ta đánh mất bản sắc cá nhân và trở nên lạc lõng, mất kết nối với cộng đồng văn hóa.
“Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, một bộ phận giới trẻ lại đang khai thác mạng xã hội như một công cụ quảng bá văn hóa Việt Nam. Các bạn trẻ này biết cách tận dụng mạng xã hội để chia sẻ giá trị văn hóa, lịch sử từ góc nhìn cá nhân hoặc qua các nhóm sáng tạo, góp phần giới thiệu và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.” - Tiến sĩ Đặng Hoài Giang cho hay.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Hoài Giang nếu sử dụng một cách có ý thức và chọn lọc, mạng xã hội không chỉ đơn thuần là một công cụ giải trí, mà còn là phương tiện để gắn kết và lan tỏa giá trị truyền thống, mang lại ý nghĩa tích cực hơn cho cộng đồng thay vì để mạng xã hội thao túng bản sắc cá nhân.