Tối 11-10 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77 đã tiến hành bỏ phiếu bầu các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Theo thông tin từ Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam lần thứ hai trúng cử.
Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ 2023-2025 gồm 14 thành viên, trong đó có 4 đại diện đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Việt Nam, Bangladesh, Kyrgyzstan, và Maldives.
|
Việt Nam góp mặt trong danh sách 14 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh chụp màn hình Twitter của Hội đồng Nhân quyền LHQ |
Tháng 11-2013, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Trong suốt nhiệm kỳ, Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng, cũng như luôn đề cao và khuyến khích tinh thần hợp tác và đối thoại.
Việt Nam luôn nỗ lực hết mình trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các bất đồng và tìm kiếm giải pháp hiệu quả, bền vững đối với các thách thức về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát triển kinh tế xã hội và nâng cao mức sống cho người dân. Tại Việt Nam, các tôn giáo, tín ngưỡng cùng tồn tại hài hòa và cùng nhau đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Hơn 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng và tôn giáo, và hơn 26 triệu người là tín đồ tôn giáo (chiếm gần 27% dân số).
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa qua, để ứng phó kịp thời, Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận mang tính toàn diện, phối hợp, và hiệu quả để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong số đó, ưu tiên cao nhất là đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được sống của mọi người.
Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện hơn 350 chuyến bay quốc tế đưa người Việt Nam xa xứ cần hồi hương để tránh dịch, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và phụ nữ.
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực nhân quyền, phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tham gia đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và mạnh mẽ hội nhập quốc tế.