Thông tin được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đưa ra ngày 7-5.
Ba tỉ lít bia một năm
Theo Cục Y tế dự phòng, gần hai thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn toàn cầu đang chững lại thì Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia có xu hướng tăng nhanh.
Mức tiêu thụ chất có cồn tính trên bình quân đầu người (đối với người trên 15 tuổi) của Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Trung bình một ngày, người uống rượu bia trên 15 tuổi tiêu thụ khoảng 37,7 gam cồn nguyên chất.
Với mức tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỉ lít năm 2012 lên hơn 3 tỉ lít năm 2013, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á.
Ảnh minh họa
Điều rất đáng lo ngại là tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam sử dụng đồ uống có cồn tiếp tục tăng cao. Khoảng 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên độ tuổi từ 14-25 có sử dụng đồ uống có cồn (năm 2008).
Trong đó, 60,5% nam và 22% nữ đã từng uống say. Tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9% lên 47,5% và ở nhóm tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67%.
Nguyên nhân gây nhiều bệnh tật
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có cồn là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới.
Đồ uống có cồn còn là nguyên nhân của 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trở thành vấn đề lớn của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Hiện có 30 bệnh do nguyên nhân trực tiếp là sử dụng đồ uống có cồn và 200 loại bệnh tật, chấn thương mang nguyên nhân gián tiếp từ việc sử dụng đồ uống có cồn.
Bên cạnh đó, khoa học đã xác định có mối liên quan giữa lượng đồ uống có cồn và mức độ tâm thần, rối loạn hành vi. Thậm chí chúng là một trong các nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư). Một nghiên cứu mới nhất của WHO còn cho thấy tồn tại mối liên quan giữa đồ uống có cồn với tỷ lệ mắc mới các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, viêm phổi, HIV/AIDS.
Đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Nghiêm trọng hơn, 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân sử dụng chất có cồn.
Ngoài ra, bạo lực gia đình có nhiều vụ việc đáng tiếc xuất phát từ việc sử dụng rượu bia. Theo số liệu điều tra, đồ uống có cồn là nguyên nhân lớn nhất gây ra khoảng 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng đồ uống có cồn của người lớn như: bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bị đánh đập gây đau đớn về thể xác
Phí tổn kinh tế do đồ uống có cồn từ 1,3%-12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do đồ uống có cồn thường cao hơn so với chi phí trực tiếp.