Khi nghe tin ông Mười Thơ mất, tôi rất đau buồn vì đây như là mất mát của chính người thân trong gia đình.
Tôi làm thư ký riêng cho ông Mười Thơ từ năm 1971. Lúc ấy ông Mười Thơ là Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia định. Cuối thập niên 1980 đầu 1990, nhiều nông dân ĐBSCL khiếu kiện về đất đai, ông Mười Thơ đã trực tiếp đáp ứng nguyện vọng nông dân.
Người thương dân
Một hôm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gọi ông Mười Thơ (Phó ban Thường trực Ban Trù bị Đại hội Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam) đến yêu cầu báo cáo tình hình nông dân cả nước, trong đó có nông dân ĐBSCL. Lúc bấy giờ đất của nông dân bị lấy đưa vào mô hình tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp gây nhiều bức xúc trong xã hội ở nông thôn. Sau khi nghe ông trình bày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Anh thương dân, thương nước thì phải đi “cởi trói” nông dân, không còn cách nào khác”. Cởi trói ở đây được hiểu là để cho nông dân được làm chủ trên mảnh đất của mình.
Ông Mười Thơ lần lượt đến các tỉnh ĐBSCL, ở đâu ông cũng nhận được tiếng nói đồng tình, tán thành. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh An Giang phát biểu mạnh mẽ nhất, hứa chủ động trả lại đất cho nông dân.
Một lần, hàng trăm nông dân tỉnh Vĩnh Long kéo lên TP.HCM đến các cơ quan trung ương đóng tại TP và các cơ quan truyền thông đại chúng gửi đơn kiến nghị xin lại đất đã đưa vào tập đoàn sản xuất - hợp tác xã nông nghiệp trước đây, đồng thời tố cáo một bộ phận ban quản lý tập đoàn sản xuất lạm dụng công quỹ tập thể, tham nhũng đất đai. Tình hình lúc bấy giờ khá căng thẳng. Tỉnh ủy Vĩnh Long đưa xe lên động viên đón bà con trở về địa phương giải quyết nhưng họ yêu cầu chính quyền trả lời cụ thể thì mới về. Trước tình hình ấy, vị chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đến nhà riêng ông Mười Thơ nhờ ông thảo thư kêu gọi bà con trở về rồi mời ông ra địa điểm bà con đang chờ đợi đọc trực tiếp nội dung để nông dân hiểu chủ trương của địa phương đối với vấn đề ruộng đất. Nghe xong, hàng trăm nông dân tỉnh này vui vẻ lên xe của tỉnh về địa phương.
Ông Mười trong một lần đi thực địa thăm nông dân. Ảnh tư liệu
Để nông dân được làm chủ
Ông cũng chính là người phản đối chính sách ngăn sông, cấm chợ mà ông biết sẽ làm cho dân đói. Quan điểm của ông Mười Thơ rất thẳng thắn. Ông nói rằng: “Chuyện vào-ra tập đoàn sản xuất - hợp tác xã nông nghiệp là tự giác, tự nguyện của nông dân, không được mệnh lệnh cưỡng bức làm khó dễ nông dân lúc vô cũng như khi họ muốn ra”. Ông Mười Thơ cũng từng trả lời về hành động của mình: “Cởi trói để nông dân làm chủ miếng đất của mình, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, tạo động lực để nông dân sản xuất hàng hóa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tham gia xuất khẩu. Nếu nông dân không được làm chủ ruộng đất cộng với chủ trương đổi mới, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì làm sao thời gian vừa qua có năm nước ta xuất khẩu tới 7 triệu tấn lương thực và hàng tỉ USD hàng thủy sản, trong đó chủ lực là nông dân ĐBSCL sản xuất ra”. Do vậy mà người dân vùng ĐBSCL rất tôn vinh và quý mến ông Mười Thơ.
Ông Mười Thơ nổi tiếng liêm khiết, có cuộc sống giản dị, tính cách thẳng thắn và trung thực, không ham công danh, địa vị nên được mọi người kính nể và tin tưởng. Đó là những đức tính tôi tiếp nhận và học được từ người thủ trưởng của mình. Giá như trong cuộc sống này có nhiều người lãnh đạo như ông thì nông dân sẽ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Trong tiếc nuối tiễn đưa, tôi mong rằng hiện nay và sau này sẽ xuất hiện nhiều vị lãnh đạo có tấm lòng vì nông dân như thế.
KHUYNH DIỆP (*)
(*) Nguyên Thư ký riêng của ông Nguyễn Thành Thơ
Đừng đợi dân kêu Ông Ngô Hoàng Phương (75 tuổi) khi biết ông Mười qua đời, đã chạy xe từ Thủ Đức lên viếng thăm người anh, người đồng chí của mình. Ông xúc động nhắc lại những kỷ niệm khi còn là hàng xóm của ông Mười: “Lần nào họp chi bộ ổng cũng góp ý các đơn vị, chính quyền “phải nghĩ trước, lo trước cho dân, đừng đợi dân kêu”. Ổng theo dõi thời sự sát sao lắm”. Người đồng chí cũng là người vợ yêu quý của ông, bà Nguyễn Hồng Nga (80 tuổi, bí danh Mười Ba) cho biết mỗi khi đi họp chi bộ hay họp hội đoàn thể, ông Mười hay nói mình không phải ông nội dân để kêu dân làm này làm kia mà phải nghĩ, phải lo trước đã. Anh Nguyễn Hoàng Dũng (Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân phụ trách phía Nam) ngậm ngùi cho biết khi đến thăm những vùng ông từng chủ trương khai hoang ở Bình Dương, Long An, anh nghe người dân, cán bộ cùng thời nhắc về ông với niềm yêu mến vô cùng. Bà Nga vợ ông không quên những ngày gian khó của thập niên 1990, khi ông đã nghỉ hưu và cùng gia đình đi khai hoang ở vùng đất trống, đồi trọc xã Tân Định (Tân Uyên, Bình Dương). Những ngày rời TP lên chặt cây, dọn đất cực khổ gian nan, cả gia đình đồng cam cộng khổ vượt qua. Ông dạy các con phải tự lực để sống, không được dựa dẫm vào cha vì sẽ không bao giờ ông “nói một tiếng” để con cái được vào làm nhà nước, thăng quan tiến chức. Ông bà quay lại làm nông dân, các con cũng làm nông. Các con ông bà, có người làm bên ngoài, có người khá lên nhờ học hỏi kỹ thuật mới áp dụng trên mảnh đất khai hoang này. Ngay cả căn nhà ông bà ở quận Bình Thạnh cũng do Nhà nước cấp, đến nay vẫn còn nguyên trạng và đơn sơ như lúc ban đầu. Bàn ghế trong nhà đều cũ kỹ, giản đơn. HỒNG MINH Ông Nguyễn Thành Thơ sinh năm 1925, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). Ông đã được trao tặng huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác…Do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 0 giờ 15 phút, ngày 21-4 tại nhà riêng.Tang lễ ông được tổ chức với nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng ông được tổ chức vào hồi 6 giờ ngày 22-4 đến hết ngày 23-4 tại Nhà tang lễ TP.HCM. Ông sẽ được đưa về quê nhà tỉnh Vĩnh Long lúc 6 giờ ngày 24-4. Lễ an táng sẽ được tổ chức vào 8 giờ 30, ngày 26-4 tại quê nhà tỉnh Vĩnh Long. |