Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường, cây bút xuất sắc về nông thôn Việt Nam

(PLO)- Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, cây bút xuất sắc về nông thôn Việt Nam qua đời đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè văn chương cũng như nhiều thế hệ khán giả. 

Ghi dấu ấn trên bầu trời văn chương với tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" vào năm 1990, nhà văn Nguyễn Khắc Trường được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học đổi mới.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (1946-2024). Ảnh: Tư liệu

Gắn liền với đề tài nông thôn Việt Nam, ông được bạn bè văn chương cũng như độc giả nhớ đến với nhiều danh xưng "nhà văn nông dân mặc áo lính", "nhà văn của đồng ruộng"…

Thế nhưng, cây bút tài hoa ấy đã ra đi mãi mãi ở tuổi 79 tại nhà riêng Hà Nội vào trưa ngày 2-10.

Một cây bút trung thực, hiền lành

Đối với dòng chảy văn học Việt Nam, tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma được xem là một bức hoạ lớn về một miền quê tưởng chừng như yên ả nhưng ẩn sâu trong đó là sự âm ỉ tranh đấu của những người quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"

Tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma"

Nói về tiểu thuyết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhìn nhận tiểu thuyết là một tác phẩm đóng đinh vào nền văn học Việt Nam đương đại.

"Những gì ông viết trong tác phẩm này giống như một lời tiên tri về một thế giới chúng ta đang sống. Một thế giới người và ma lẫn lộn. Ma hiện hình trong cả những nơi chúng ta không hề nghĩ tới" – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá.

Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Khắc Trường còn được đông đảo bạn bè văn chương nhớ đến là một nhà văn giản dị, hiền lành trung thực…

"Tôi có may mắn là chuyển về Báo Văn nghệ cùng ngày với ông và được làm việc với ông nhiều năm. Ông sống giản dị, trung thực, người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của ông trong cuộc sống hàng ngày. Đúng sai, hay dở luôn rành mạch trong con người ông.

Nhiều lúc, ông như một tảng đá lớn mà khó ai có thể lay chuyển. Ông là một nhà văn tài năng và nhân cách mà tôi luôn kính trọng" – nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết thêm.

Còn với đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thị Việt Nga, bà chia sẻ bản thân biết nhà văn Nguyễn Khắc Trường từ những năm 1983-1990, hồi nhà văn còn công tác ở Văn nghệ Quân đội.

"Khi đó tôi gửi đăng những truyện ngắn đầu tiên đến tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế. Dù khi đó anh không biên tập truyện ngắn của tôi và tôi chỉ chào hỏi anh ở toà soạn nhưng tôi cảm nhận được anh ấy là một người hiền lành, ít nói, chân thành" – đạo diễn, NSƯT Việt Nga nhớ lại.

Thân thiết từ năm 1991, sau khi cùng nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Dương Hướng (tác giả tiểu thuyết Bến không chồng) không khỏi bất ngờ, xót xa khi nhận tin nhà văn Nguyễn Khắc Trường mất.

Nhà văn Dương Hướng xúc động: "Khi đó tôi đang tập trung ở trại sáng tác Đại Lải do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thì hôm qua tôi cùng nhà văn Trần Nhương, Thế Đức… được lời mời về Phú Thọ chơi.

Trên đường trở về tôi cầm lái, đang ở trên cao tốc Hà Nội-Lào Cai thì nhận được tin nhà văn Nguyễn Khắc Trường mất.

Khi đó tôi rất bàng hoàng, dù đã biết nhà văn Nguyễn Khắc Trường ốm nhiều năm nay nhưng với thể lực của nhà văn vẫn khá tốt nên không nghĩ anh lại ra đi sớm như vậy".

Nhớ về những kỷ niệm với người anh, người bạn tri kỷ trong văn chương, nhà văn Dương Hướng cho biết mình và nhà Nguyễn Khắc Trường dù sống xa nhau về mặt địa lý nhưng vẫn có điều kiện gặp gỡ nhau qua những chuyến công tác.

"Tôi ở Hạ Long, nhà văn Nguyễn Khắc Trường ở Hà Nội. Mỗi lần có điều kiện lên Hà Nội, tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Trường bao giờ cũng gặp nhau. Thậm chí, có những lần lên Hà Nội lúc 22h tối, tôi vẫn gõ cửa toà soạn để vào nghỉ ngơi cùng anh.

Chúng tôi thường trao đổi, chia sẻ về đời văn, đời người, cuộc sống, đàm đạo về nghề, bàn về đời. Mọi chuyện rất tâm đầu ý hợp" – nhà văn Dương Hướng kể.

Nhớ mãi một nụ cười và những dang dở…

Bên cạnh tính cách hiền lành, trung thực điều khiến bạn văn nhớ về nhà văn Nguyễn Khắc Trường là nụ cười của ông.

Nhà văn Văn Công Hùng nhớ lại: "Có dịp tôi cùng nhà văn Nguyễn Khắc Trường và anh hùng Núp xuống làng. Khi về, ông Đinh Núp thì say còn nhà nhà văn Nguyễn Khắc Trường cứ cười khơ khớ".

Sau này "nụ cười thương hiệu" đó đã được nhà văn Văn Công Hùng viết trong "Nhặt chuyện văn nhân": "Thoạt nhìn, không ai nghĩ ông là nhà văn. Mà lại là một nhà văn quan chức....Trông ông giống một bác chủ nhiệm hợp tác xã hơn. Tiếng cười của ông mới thật lạ, nó hể hả, sung mãn và thật thà như chính con người ông. Nó gần như độc nhất vô nhị. Ông hay tự trào về tiếng cười của mình khi kể về nó: Tớ cười hô hố lên. Và ông cười. Bây giờ thì ông nổi tiếng lắm rồi…".

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường và nhà văn Tô Hoài

Sau tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma rất thành công, nhà văn Nguyễn Khắc Trường được độc giả kỳ vọng ở tiểu thuyết tiếp theo. Và chính ông cũng luôn ấp ủ một tác phẩm về tam nông dù đã nằm trên giường bệnh.

"Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã viết tiếp cuốn tiểu thuyết thứ 2 là Trang trại và đã trích in một số chương của thuyết trên tạp chí tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam.

Khi anh trích in như vậy, tôi cũng hi vọng nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một tác phẩm mới ra đời nhưng có lẽ vì quá chỉn chu, đắn đo về chuyện xuất bản… nên cho đến khi anh ra đi, tác phẩm đó vẫn chưa thể hoàn thiện và ra mắt” – nhà văn Dương Hướng tâm sự.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường còn có bút danh khác là Thao Trường.

Ông sinh ngày 6-7-1946 tại xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982.

Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không – Không quân. Sau giải phóng, năm 1979, ông học khoá I Trường đại học viết văn Nguyễn Du.

Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, ông chuyển về làm biên tập viên văn xuôi tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Năm 1993 ông chuyển ngành với quân hàm Trung tá, về công tác tại tổ văn xuôi của báo Văn nghệ rồi làm Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ.

Năm 2003, ông chuyển sang làm Phó giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội nhà văn đến năm 2009 thì nghỉ hưu, chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có nhiều tác phẩm làm nên tuổi ông như Cửa khẩu (tập truyện vừa, 1972);Thác rừng (tập truyện ngắn, 1976); Miền đất mặt trời (tập truyện, 1982)…

Đặc biệt tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990) giúp tên tuổi Nguyễn Khắc Trường được đông đảo bạn đọc yêu mến và được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Khắc Trường viết về nông thôn Việt Nam.

Tiểu thuyết cũng giúp nhà văn Nguyễn Khắc Trường đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1991) và được dịch sang tiếng Pháp.

Diễn viên Duy Thanh (phải) và Duy Hậu trong phim "Đất và người"

Năm 2002, tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phong chuyển thể thành phim truyền hình Đất và người gồm 24 tập phát sóng trên VTV1.

Với những cống hiến của mình cho nền văn chương Việt Nam nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã đạt nhiều giải thưởng như giải nhất cuộc thi bút ký do Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và báo Văn nghệ tổ chức năm 1986 với bút ký Gặp lại anh hùng Núp, Giải thưởng Nhà nước về Văn học&Nghệ thuật đợt 2 năm 2007….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới