Tối 11-10, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Thành ủy TP.HCM và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Nam năm 2024” với chủ đề “Khát vọng tiên phong”.
Chương trình năm 2024 đã tôn vinh 17 điển hình, 12 mô hình là những cán bộ, đảng viên, các chiến sĩ, bác sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc, công nhân, nông dân đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo, những nỗ lực của bản thân, cơ quan, đơn vị đã góp phần lan tỏa những điều tích cực, đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, khẳng định giá trị, sức sống của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tặng chiến sĩ tấm mền hình bản đồ Việt Nam làm từ vải vụn
Có mặt tại chương trình giao lưu, bà Trương Thị Ngọc Vân (76 tuổi, tổ trưởng Tổ Phụ nữ nhân ái khu phố 2, phường 4, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã mang tấm mền có hình bản đồ Việt Nam do chính các thành viên trong tổ làm để trao tặng cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
“Như Bác Hồ đã nói: ‘Thi đua là yêu nước’. Lúc trẻ tôi đã xung phong để cùng thi đua sản xuất, nay tuổi đã cao nên suy nghĩ mình sẽ cùng bà con làm điều gì đó thiết thực để xây dựng quê hương. Đó là động lực để tôi thành lập và duy trì Tổ Phụ nữ nhân ái hơn 10 năm qua” - bà Vân chia sẻ.
Tổ Phụ nữ nhân ái khu phố 2 có 31 thành viên, có người là thợ may, người chỉ ở nhà nội trợ, bán buôn nhỏ, vài chị là cán bộ hưu trí, giáo viên, công nhân viên.
Hơn 10 năm hoạt động, Tổ Phụ nữ nhân ái khu phố 2 đã xin được gần 1.000 kg vải vụn từ các tiệm may về chọn lọc, tỉ mỉ cắt may các tấm mền, tranh hình bản đồ Việt Nam. Tổ cũng đã may trên 300 bộ quần áo trẻ em, người lớn để tặng cho các chiến sĩ ở các vùng biển đảo, tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó.
Bên cạnh đó, Tổ còn hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà tình thương cho phụ nữ nghèo, nuôi heo đất, thực hiện mô hình thu lượm ve chai để tham gia đóng góp mô hình tổ tiếp sức trẻ em đến trường, quỹ học bổng, chăm sóc người già neo đơn...
Bà Hà Thị Thanh Hương, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, cũng không nén được xúc động được vinh danh tại chương trình giao lưu hôm nay.
Bà Hương là người đã thành lập phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu thần kinh mang tên Phòng thí nghiệm nghiên cứu sức khoẻ não bộ - Brain Health Lab. Qua đó, bà đã tạo môi trường học thuật chuyên nghiệp, thân thiện, đào tạo và khuyến khích sinh viên công bố các kết quả nghiên cứu, bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức ở các cuộc thi.
Tới nay, phòng thí nghiệm đã đạt được 17 giải thưởng nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, góp phần giúp mở rộng mạng lưới kết nối với những chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và thần kinh.
Bên cạnh đó, nhiều tấm gương vượt khó, đóng góp tích cực cho cộng đồng như bà Ngô Thu Hà, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp... cũng được vinh danh tại buổi giao lưu hôm nay.
Ấn tượng về những điển hình tiên phong, đổi mới, sáng tạo
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn nhận hình ảnh những người mẹ, người chị cần mẫn bên chiếc máy may, trao gửi yêu thương đến các chiến sĩ biên giới, hải đảo, đồng bào khó khăn, hay những mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững, các mô hình cải cách hành chính, thiện nguyện, đều để lại ấn tượng sâu sắc...
“Dõi theo chương trình, chúng ta đã được chứng kiến những câu chuyện ấn tượng về con người Nam bộ hôm nay thi đua học, làm theo Bác về tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo bằng những việc làm bình dị, thiết thực với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững cần thấm nhuần, vận dụng sáng tạo và phát huy những giá trị to lớn từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Nghĩa kỳ vọng mỗi cán bộ, đảng viên tích cực nêu gương trong học và làm theo Bác, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thách thức, là hạt nhân dẫn dắt các tầng lớp nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
“Mỗi điển hình tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, đạt những thành tích cao hơn nữa; xứng đáng là tấm gương sáng, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo; nhân rộng thêm nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, hiệu quả trong toàn xã hội” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
TP.HCM tuyên dương hơn 1.390 gương điển hình
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, bày tỏ vinh dự được Trung ương chọn là nơi tổ chức chương trình “Giao lưu các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Nam năm 2024”.
Theo ông Mãi, đây là dịp tốt để TP được học hỏi từ các điển hình, các địa phương những cách làm hay trong học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
“Vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, TP.HCM luôn ý thức sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả việc học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc này đã trở thành nề nếp và lan tỏa đến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân TP” - ông Mãi nói.
Giai đoạn 2021 – 2024, TP đã tuyên dương hơn 1.390 gương điển hình cấp TP cùng hơn 16.900 điển hình cấp huyện và cơ sở. Trong đó, có 326 mô hình mới, cách làm hay, 247 nội dung đột phá, sáng tạo.
Ông Mãi khẳng định giai đoạn tới TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách bài bản, đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và các hoạt động thi đua thiết thực.