Ngày 4-8, VKSND Tối cao tổ chức hội nghị tập huấn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại TP Cần Thơ.
Hội nghị tập huấn cho kiểm sát viên thuộc VKS 34 tỉnh, thành phía Nam từ tỉnh Thừa Thiên-Huế trở vào, hai VKS cấp cao và hai VKS quân khu.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 12 (Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp), cho biết việc tiếp công dân liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi tiếp công dân của VKS là một công việc phức tạp, phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định và đạt được mục đích mà pháp luật đề ra.
Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân phải tuân thủ một cách chặt chẽ các quy định của pháp luật và của ngành như: phải bảo đảm trang phục ngành đúng quy định, có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày. Không hứa hẹn hoặc thông báo cho công dân nội dung hoặc kết quả giải quyết khi chưa được kết luận chính thức bằng văn bản.
Theo ông Nguyễn Anh Diệp, Phó Vụ trưởng Vụ 12, đối với trường hợp khiếu nại, tố cáo đúng thì đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo căn cứ vào từng vụ việc cụ thể để áp dụng biện pháp ngăn chặn thiệt hại ở từng giai đoạn cụ thể. Đối với trường hợp cần thiết thì đề xuất người có thẩm quyền hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định tố tụng trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo.
Ví dụ, người bị hại trong vụ án hình sự tố cáo kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án do có quan hệ thân thích với bị can nên tác động đến những người tiến hành tố tụng làm nhẹ tội cho bị can. Sau khi xác minh thấy kiểm sát viên thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng theo quy định của BLTTHS thì đề xuất người có thẩm quyền của VKS thay đổi kiểm sát viên khác trước khi ban hành kết luận tố cáo.
Hoặc quá trình xác minh giải quyết khiếu nại thấy bị can bị oan thì đề xuất người có thẩm quyền hủy bỏ lệnh tạm giam, đình chỉ điều tra vụ án. Hoặc quá trình xác minh, thấy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với bị can không đúng thì đề xuất người có thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam bằng biện pháp khác… để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.