VKS kháng nghị vụ 1 người 4 năm làm việc từ xa bị buộc thôi việc

(PLO)-  VKSND quận Bình Tân, TP.HCM cho rằng người lao động 4 năm làm việc từ xa nhưng công ty không có ý kiến gì chứng tỏ công ty đồng ý với cách làm việc này.

Vừa qua, VKSND quận Bình Tân, TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị toàn bộ bản án lao động sơ thẩm số 16/2022/LĐ-ST của TAND quận này và đề nghị TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm về tố tụng và nội dung trong vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Duy Khang vào làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại HP (Công ty HP), hai bên có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn vào tháng 10-2014.

Tuy nhiên, đến ngày 1-1-2019 Công ty HP cho ông Khang nghỉ việc với lý do: Vị trí của ông Khang không còn phù hợp với hoạt động hiện nay của công ty.

Không đồng ý với quyết định buộc thôi việc, ông Khang đã khởi kiện vụ án ra toà yêu cầu Công ty HP phải trả tiền lương trong suốt khoảng thời gian đã làm việc nhưng chưa được nhận lương; yêu cầu huỷ quyết định buộc thôi việc và bồi thường các khoản khác do hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ gây ra.

Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Tân quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Duy Khang; Không chấp nhận yêu cầu của ông Khang về việc huỷ quyết định buộc thôi; Không chấp nhận yêu cầu đòi hơn 636 triệu đồng tiền lương (tiền lương chưa được nhận) và hơn 364 triệu đồng cho các khoản do hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ gây ra.

Quyết định kháng nghị bản án của VKSND quận Bình Tân đã chỉ ra nhiều điểm vi phạm về cả tố tụng lẫn nội dung. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ngày 10-6-2022, Viện trưởng VKSND quận Bình Tân đã ban hành Quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm nêu trên. Theo đó, VKSND quận Bình Tân đã chỉ ra các vi phạm từ tố tụng đến nội dung của bản án sơ thẩm. Cụ thể như sau:

Về tố tụng, toà án sơ thẩm cho rằng HĐLĐ giữa ông Khang và Công ty HP là giả tạo nhằm che giấu việc hưởng lợi ích của ông Khang và ông H (đại diện theo pháp luật của Công ty HP), làm ảnh hưởng tới quyền lợi của công ty nhưng lại không đưa ông H. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Về nội dung vụ án, trong bản tự khai phía Công ty HP cho rằng ông Khang không làm việc ngày nào tại công ty (không làm việc trực tiếp hoặc làm việc từ xa), HĐLĐ ký là để hợp thức hoá việc tham gia BHXH, BHYT do bố ông Khang là phó giám đốc công ty (có 50% vốn góp) nên HĐLĐ giữa ông Khang và Công ty HP ký kết là giả tạo, không thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện mà do sự ép buộc của bố ông Khang. Tuy nhiên, phía Công ty HP không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh việc hai bên ký HĐLĐ là do bị ép buộc và không dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

Mặt khác, xét về hình thức và nội dung của HĐLĐ đều thoả mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 13, 14 và 15 Bộ luật lao động 2019 nên HĐLĐ giữa Công ty HP và ông Khang là hợp pháp.

Ông Nguyễn Hoàng Đông đại diện của nguyên đơn trong vụ án lao động bị VKSND quận Bình Tân kháng nghị. Ảnh: HĐ

Ngoài ra, việc ông Khang không đến công ty làm việc mà làm việc từ xa trong một khoảng thời gian dài từ năm 2014 đến năm 2018 nhưng Công ty HP không có ý kiến cũng như không có văn bản nhắc nhở hoặc xử lý kỷ luật chứng tỏ Công ty HP cũng đồng ý với cách làm việc này của ông Khang.

Nếu Công ty HP có ý kiến về việc ông Khang không làm việc hoặc không hoàn thành công việc được giao thì phải có văn bản nhắc nhở hoặc biên bản làm việc với nhau. Tuy nhiên, Công ty HP không có bất kỳ văn bản nào nhắc nhở hoặc xử lý kỷ luật nhưng lại ban hành quyết định buộc thôi việc đối với ông Khang mà không thông báo cho ông Khang là vi phạm Điều 4 của Thoả ước lao động tập thể; điểm a khoản 2 Điều 36 và Điều 39 Bộ luật Lao động 2019.

Do đó, VKSND quận Bình Tân cho rằng có căn cứ để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới