Ngày 13-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng (NH) Xây dựng - VNCB (nay là CB Bank). Đặc biệt, Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) kháng cáo về dân sự. Một số bị cáo khác thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Nhiều kháng cáo liên quan đến tiền
Sau phiên tòa sơ thẩm, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị về hình phạt của bốn bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo vì cho rằng trái quy định. Các bị cáo này gồm: Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh. Tại tòa, VKS cho rằng trong đại án VNCB giai đoạn 1 (xét xử năm 2016), bốn bị cáo này đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được áp dụng án treo là sai luật.
Trong khi bốn bị cáo Vân, Đi, Thành, Vinh đều cho rằng mình chỉ là người làm công, ký mà không hưởng lợi gì. Bị cáo Đi xin được hưởng án nhẹ nhất hoặc cải tạo không giam giữ. Vân cho rằng ở hai vụ án mình cùng bị truy tố về một tội danh, tại phiên tòa sơ thẩm (giai đoạn 2) VKS cũng đề nghị cho bị cáo cải tạo không giam giữ nên xin HĐXX cho hưởng cải tạo không giam giữ…
Nguyên đơn dân sự là NH CB cũng kháng cáo, không đồng ý trả lại 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh. Tại tòa, đại diện CB cho rằng cấp sơ thẩm coi số tiền để tăng vốn điều lệ là của riêng ông Danh và thu hồi toàn bộ là không có căn cứ, gây thiệt hại lớn cho CB. Từ lẽ đó, CB đề nghị HĐXX hủy bỏ quyết định dân sự mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Còn NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kháng cáo, cho rằng số tiền hơn 1.633 tỉ đồng mà NH này đã thu được từ các công ty do ông Danh lập ra là hợp pháp. Số tiền này không phải là vật chứng nên không thể xem xét theo Bộ luật Tố tụng hình sự. Giả sử tòa án vẫn quyết tâm thu hồi khoản tiền trên thì đề nghị tòa xác định rõ BIDV sẽ lấy lại số tiền trên bằng một vụ kiện khác từ tổ chức nào.
Ông Trần Quí Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng kháng cáo nội dung án sơ thẩm có liên quan đến ông. Tại tòa, đại diện của ông Thanh cho rằng án sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng vì chưa đánh giá, xem xét toàn diện các tình tiết khách quan, sự thật của vụ án. Từ đó, người này đề nghị cấp phúc thẩm tuyên không thu hồi hơn 194 tỉ đồng của ông Thanh.
Phạm Công Danh (đứng) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Y.CHÂU
Ông Danh: Trong 4.500 tỉ có tiền của bị cáo
Tại tòa, Phạm Công Danh đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền được xem là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả do chưa được thu hồi ở cả hai giai đoạn, gồm hơn 7.000 tỉ đồng. Về số tiền 4.500 tỉ đồng, ông Danh cho rằng do các cổ đông góp với mục đích tăng vốn điều lệ nhưng NH Nhà nước không cho phép nên ông có thể rút.
Chủ tọa hỏi: “Bao nhiêu cổ đông góp, góp bao nhiêu và thực tế có góp không?”. Ông Danh đáp: “Trí nhớ của tôi quá kém. Chủ tọa có thể xem lại danh sách, có cụ thể trong đó, tôi nhớ không chính xác”. Tuy nhiên, tòa cho rằng thực tế là tiền vay chứ không có cổ đông nào góp và cấp sơ thẩm cũng đã làm rõ danh sách bị cáo đưa ra là khống.
Sau đó, chủ tọa nhắc ông Danh tập trung vào kháng nghị của VKS không đồng ý thu hồi 4.500 tỉ đồng từ CB để trả cho Danh vì cho rằng tiền đó không phải của ông mà là tiền vay, tức là do phạm tội mà có. Ông Danh nói đồng tình với VKS về nhận định trong số tiền đó có tiền sai phạm được tòa án cấp sơ thẩm khấu trừ. Nhưng bị cáo khẳng định đây không hoàn toàn là số tiền sai phạm mà có một phần tiền lớn là của Tập đoàn Thiên Thanh, của gia đình bị cáo, tiền bị cáo bán tài sản và vay mượn.
Bị cáo Danh khẳng định không sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân mà dùng cho hoạt động của NH. “Có cơ sở cho rằng 4.500 tỉ đó không hoàn toàn là tiền sai phạm, một phần là tiền sai phạm, còn lại là tiền của tôi. Mong HĐXX hết sức xem xét lại” - ông Danh nói.
Đề nghị thu hồi hàng ngàn tỉ Tại tòa, Phạm Công Danh còn đề nghị tòa thu hồi hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho VNCB. Đó là khoản tiền từ cá nhân, tổ chức mà cấp sơ thẩm chưa xem xét như tiền lãi của 4.500 tỉ đồng; khoản tiền chuyển cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích; tiền bị cáo sử dụng chi lãi ngoài… Ngoài ra, bị cáo Danh còn tha thiết mong HĐXX thu hồi số tiền hơn 3.600 tỉ đồng trả cho bà Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao NH Đại Tín - tiền thân của VNCB). Ông Danh đã đề nghị rất nhiều lần từ giai đoạn điều tra, phiên tòa sơ thẩm. Ông Danh cho rằng những khoản tiền này là vật chứng của vụ án, ông đề nghị thu hồi để ông khắc phục hậu quả. Vụ án được khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ, ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt của không chỉ ông mà còn các bị cáo khác. YẾN CHÂU |