VKSND tỉnh Khánh Hòa chậm bồi thường oan: Đừng để công lý bị từ chối!

(PLO)- TAND Tối cao nói không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm nhưng VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn “chờ” và trì hoãn việc bồi thường oan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyến bay không thể chờ đợi hành khách, bệnh nhân cấp cứu không thể chờ đợi thuốc và người bị oan, sai trong tố tụng không thể mãi chờ việc bồi thường của cơ quan đã gây oan khiên cho mình.

Chúng ta vẫn luôn nói với nhau “đợi chờ là hạnh phúc”. Thế nhưng, với nhiều việc, đợi chờ có khi là tấn bi kịch.

Hành trình đi tìm công lý hơn nửa đời người, không chỉ của một mình ông Huỳnh Chiếm Phái mà của cả gia đình, thật quá đỗi nhọc nhằn. 42 năm đi tìm công lý là một quãng thời gian đủ làm xót xa tất cả những ai cho dù có con tim sắt đá nhất. Quá nửa đời người, hết cha kêu oan rồi đến khi cha qua đời, các con lại tiếp tục thay cha kêu oan đã đủ thấy sự can trường trong hành trình tìm lẽ phải.

Những người đồng thừa kế thứ nhất của ông Huỳnh Chiếm Phái trong lần đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: TÂM AN
Những người đồng thừa kế thứ nhất của ông Huỳnh Chiếm Phái trong lần đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ảnh: TÂM AN

Bị bắt tạm giam trong một nghi án giết người, ông Huỳnh Chiếm Phái liên tục kêu oan. Sau 13 tháng bị tạm giam, ông Phái được thả ra, VKSND tỉnh Phú Khánh (tách ra thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa hiện nay) có quyết định đình chỉ điều tra và nêu rõ: “Không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.

Như vậy, ông Phái đã bị tạm giam oan suốt 13 tháng ròng. Với nỗi oan khiên này, ngay sau khi được thả, mặc dù đã tàn phế - hệ quả của 13 tháng tù giam, ông Phái vẫn kiên trì hành trình tìm công lý. Thế nhưng, hành trình này của ông Phái và các con còn dài hơn rất nhiều so với thời gian tạm giam bởi sự trì hoãn của các cơ quan thực thi công lý.

Ngạn ngữ Latinh có câu “Công lý bị trì hoãn là công lý bị chối từ”. Chính sự trì hoãn trong việc xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho ông Phái nên đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn còn mang trong mình thân phận của một người vướng vào vòng lao lý.

Thấu hiểu nỗi oan khuất, VKSND Tối cao đã có nhiều văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái. Tuy nhiên, với lý do đã hết thời hiệu giải quyết, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cải chính, xin lỗi ông Phái. Khi từ chối, không rõ VKSND tỉnh Khánh Hòa có xem xét thấu đáo các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không, bởi những văn bản này không hề quy định về thời hiệu đối với trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự của người bị oan, sai.

Mãi sau đó, nhiều cơ quan trung ương vào cuộc, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới xin lỗi công khai ông Phái. Tuy nhiên, lời xin lỗi này dường như không còn nhiều tác dụng bởi người cần được xin lỗi đã không còn trên cõi trần. Ông Phái đã trút hơi thở cuối cùng trong tuyệt vọng bởi không thể mãi chờ đợi sự nhận lỗi và sửa sai từ phía cơ quan có lỗi.

Pháp đình nối tiếp pháp đình, những người con của ông Phái lại bất đắc dĩ phải đáo tụng đình với VKSND tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại vì hai bên không tìm được tiếng nói chung về mức bồi thường.

Trải qua hai cấp xét xử, các cấp tòa đều tuyên VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho những người thừa kế của ông Phái hơn 1,6 tỉ đồng. Bản án phúc thẩm ngày 13-5-2022 có hiệu lực ngay, thế nhưng VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn trì hoãn thi hành bản án với lý do… chờ kháng nghị.

Đến nay, TAND Tối cao nói không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm nhưng VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn “chờ”, dù chẳng có quy định pháp luật nào cho phép.

Không biết khi VKSND tỉnh Khánh Hòa viện lý do đợi chờ này thì họ có thấu hiểu được hành trình 42 năm ngược xuôi tìm công lý của gia đình ông Phái? Số tiền 1,6 tỉ đồng bồi thường liệu có bù đắp được danh dự, nhân phẩm của một con người mà đến chết vẫn không thể minh oan là người vô tội? Số tiền này liệu có trả lại những ngày tháng tươi đẹp, đoàn tụ của một gia đình mà lẽ ra không có án oan thì họ xứng đáng được hưởng?

Việc chờ đợi trong trường hợp này được hiểu là để tiếp tục tìm công lý hay trì hoãn thực thi công lý? Có lẽ câu trả lời đã khá rõ nhưng vẫn mong mục đích của sự đợi chờ này không phải là như vậy.

Theo Luật Tổ chức VKSND thì VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để thực thi được nhiệm vụ này, từng cá nhân trong VKSND phải có “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng”. Cái đầu lạnh là để bình tâm phán xét, thận trọng và kỹ lưỡng đưa ra quyết định theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Còn trái tim nóng là để sẻ chia, thấu hiểu, để đặt mình vào vị trí của các bên mà quyết định trên cơ sở thấu tình.

Con người vốn dĩ không phải là thiên thần nên cái sai vẫn thường nhật cận kề. Tuy nhiên, cho dù sai thì vẫn cần phải hành xử theo đúng lý trí và lương tâm. Xin đừng thờ ơ, đừng dùng trái tim lạnh lùng, vô cảm để bao biện cho những cái đầu nóng - những cái đầu vì chủ quan, vội vã dẫn đến ban hành các quyết định sai lầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm