Ngày 26-10, nguồn tin của PLO xác nhận VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (quê phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa; hiện ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk).
Lý do: VKSND Tối cao đang xem xét đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm ngày 13-5-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng theo đề nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh là con trai ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, mất năm 2015, quê phường Ninh Giang), người bị bắt giam oan hơn 13 tháng trong vụ án chủ tịch UBND xã Ninh Giang bị bắn chết cách đây 42 năm. Ông Hoạnh cũng là người đại diện cho nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường oan.
Bản án phúc thẩm ngày ngày 13-5-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho những người đồng thừa kế của ông Huỳnh Chiếm Phái hơn 1,6 tỉ đồng. Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh đã có đơn yêu cầu VKSND tỉnh thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Theo VKSND tỉnh Khánh Hòa, tháng 5-2023, cơ quan này có công văn kèm hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao thẩm định hồ sơ, cấp kinh phí để VKSND tỉnh Khánh Hòa chi trả tiền bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, đầu tháng 6-2023, VKSND Tối cao có công văn trả lời với nội dung chuyển lại hồ sơ để chờ kết quả giải quyết của VKSND Tối cao.
Cuối tháng 6-2023, VKSND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản thông báo chưa thi hành bản án bồi thường oan đối với ông Huỳnh Chiếm Phái.
Liên quan đến vụ việc trên, cuối tháng 4-2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định buộc VKSND tỉnh này phải thi hành bản án dân sự phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đầu tháng 5-2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa thu hồi quyết định trên với lý do quyết định buộc thi hành án ban hành không đúng thẩm quyền.
Cách đây 42 năm, tối 18-10-1981, tại xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang, thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ chủ tịch UBND xã này bị bắn chết.
Hôm sau, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam ông Huỳnh Chiếm Phái cùng ba người khác để điều tra tội giết người. Sau hơn 13 tháng bị tạm giam, đến ngày 2-2-1983, ông Phái được VKSND tỉnh này ra lệnh tạm tha với lý do “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”.
Sau khi ông Phái liên tục kêu oan, tháng 12-2009, VKSND Khánh Hòa giao cho gia đình ông Phái bản sao quyết định đình chỉ điều tra do VKSND Phú Khánh ban hành ngày 25-9-1984. Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.
VKSND tỉnh Khánh Hòa có quyền tạm đình chỉ giải quyết bồi thường hay không?
Đến nay, chưa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao hoặc kháng nghị của VKSND Tối cao đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, VKSND tỉnh Khánh Hòa lại ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Chiếm Hoạnh với lý do VKSND Tối cao đang xem xét đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đối với bản án phúc thẩm là không đúng Hiến pháp, không đúng Bộ luật Tố tụng dân sự về nguyên tắc bản án có hiệu lực thì mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều phải thi hành. Việc này cũng không đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Nếu quyết định tạm đình chỉ của VKSND tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có hiệu lực không được thi hành theo Hiến pháp và pháp luật.
Mặt khác, VKSND tỉnh Khánh Hòa là bị đơn trong vụ kiện sao lại được quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ thi hành nội dung bản án có hiệu lực yêu cầu VKSND tỉnh này phải bồi thường?
Quyết định tạm đình chỉ của VKSND tỉnh Khánh Hòa căn cứ Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 để tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường là không đúng với vụ việc cụ thể của ông Huỳnh Chiếm Hoạnh.
Bởi gia đình ông Hoạnh, đại diện người bị thiệt hại đã khởi kiện ra tòa để giải quyết yêu cầu bồi thường. VKSND tỉnh Khánh Hòa trước đó là tuy cơ quan giải quyết bồi thường nhưng khi đã bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.
Cơ quan giải quyết bồi thường theo đơn ông Hoạnh là tòa án. Điều 50 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 quy định: Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết bồi thường khi các căn cứ quy định tại điều luật này.
Khi VKSND tỉnh Khánh Hòa là bị đơn, là bên có nghĩa vụ thi hành bản án thì VKS không còn quyền năng của cơ quan giải quyết bồi thường để ban hành quyết định ngừng hiệu lực thi hành của bản án.
Việc ban hành quyết định tạm đình chỉ này là không phù hợp quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND ban hành kèm theo quyết định số 304/QĐ-VKSTC ngày 29-6-2018 của viện trưởng VKSND Tối cao.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa