Nó không dừng lại ở khía cạnh văn hóa, đạo đức xã hội, cách con người ứng xử với nhau. Chúng ta không thể không suy nghĩ: Điều gì đã khiến người ta hành xử như thế?
Thứ nhất, những người tham gia cướp bia nghĩ rằng họ sẽ không bị lên án nên “nhặt” bia như nhặt của rơi vô chủ. Người ta đã thản nhiên “nhặt” những thứ không thuộc về mình. Sự tự trọng đã nhường chỗ cho sự hồ hởi vì được của.
Thứ hai, khả năng tự giám sát hành vi của những người “hôi của” đã bị vô hiệu. Trong đám đông “hôi của” ấy, hẳn nhiều người nghĩ rằng thiên hạ lấy thì mình cũng lấy, không lấy thì… mất quyền lợi. Và thế là họ xông vào tranh cướp mặc cho tài xế van xin trong bất lực. Người ta đã quên việc cần làm của một người tử tế là giúp người lái xe tội nghiệp ấy thu gom số bia bị rơi vãi. Hoặc chí ít cũng có lời nói hay hành động ngăn cản những người đang tranh cướp thay vì hòa lẫn mình vào đám đông tranh cướp ấy.
Những người tranh cướp bia đều là người lớn, có đủ nhận thức để biết rõ đúng sai trong hành động của mình. Họ sẽ nói gì với con mình về bài học tình người, về hành vi giúp người hoạn nạn, truyền thống thương người như thể thương thân? Những bậc làm cha, làm mẹ ấy nghĩ gì khi hình ảnh mình tranh cướp bia của chiếc xe bị nạn được đăng trên báo và đập vào mắt con cái mình? Một vài lon bia có thể thay được lòng tự trọng? Những điều hay lẽ phải mà họ nói với con sẽ mất trắng, những đứa trẻ sẽ nhìn vào hành vi của người lớn rồi nghĩ rằng phải đối xử với đời bằng lòng tham và vũ lực.
Mới đây, một người dân đã căng biểu ngữ phản đối hành động cướp bia đáng xấu hổ đấy. Tấm biểu ngữ đã được tháo bỏ vì mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, điều cần thấy rằng hành vi cướp bia của đám đông được đăng tải trên các báo còn gây phản cảm, mất mỹ quan gấp vạn lần.
Một vụ việc cụ thể nhưng nhìn rộng ra sẽ thấy sự bất lực ở nhiều khía cạnh: Bất lực trong việc kêu gọi và phát huy lòng tự trọng; bất lực trong việc phát huy truyền thống nhân ái, trong cư xử có văn hóa của người với người trong xã hội đô thị; bất lực trong khả năng răn đe của pháp luật (khiến mỗi người không làm điều xấu vì sợ bị trừng phạt).
Một đám đông lao ra giữa đường cướp bia, gây ùn tắc giao thông, xâm phạm tài sản của người khác ngay giữa ban ngày, thế nhưng không thấy sự can thiệp của công an phường nhằm vãn hồi trật tự và thu hồi tài sản. Ở khía cạnh quản lý xã hội, nó thể hiện sự chậm chạp và kém cỏi của chính quyền và công an phường sở tại.
NHẬT HÒA