Tôi cho hai vợ chồng người bạn mượn 200 triệu đồng, có lập hợp đồng cho vay và có cả chữ ký của hai vợ chồng trong hợp đồng. Giờ vợ chồng bạn tôi không trả nợ, người vợ nói là đã ly hôn với chồng, số tiền nợ là người chồng mượn nên người chồng phải trả. Tôi đến tìm người chồng để đòi nợ thì người chồng bảo khi ly dị đã giao hết tài sản cho vợ nên vợ phải trả nợ. Xin hỏi, ai có trách nhiệm trả nợ cho tôi, việc vợ chồng bạn tôi mượn cớ ly hôn để trốn nợ thì có bị xử phạt không?
Bạn đọc Phùng Thanh Văn (Hóc Môn, TP.HCM).
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn luật sư TP.HCM trả lời: Theo Điều 37 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, được xem là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.
Bên cạnh đó, Điều 60 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định, quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
Như vậy, từ các thông tin anh Thanh cung cấp, khi anh cho vợ chồng bạn vay tiền có lập hợp đồng và có chữ ký của cả hai vợ chồng người bạn lên hợp đồng vay. Do đó, nghĩa vụ trả số nợ cho anh Thanh là nghĩa vụ chung của vợ chồng người bạn và cả hai đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ dù đã ly hôn.
Việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản được xem là hành vi ly hôn giả tạo. Hành vi ly hôn giả tạo này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015 sửa đổi Điều 48 Nghị định 110/2013, cụ thể: Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Tuy nhiên trên thực tế việc chứng minh hành vi ly hôn giả tạo rất khó khăn, do đó trường hợp các cá nhân cho cả vợ chồng mượn nợ trong trường hợp vừa nêu, khi phát hiện họ đang thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa án, chủ nợ phải khẩn trương có đơn yêu cầu tòa án nơi đang thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng vay nợ giải quyết buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung đã mượn.